Thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh đã lựa chọn một số mô hình giảm nghèo đem lại giá trị kinh tế cao để nhân rộng, giúp các hộ thoát nghèo và tăng thu nhập. Thực tế cho thấy, việc chọn mô hình điểm để tập trung nguồn lực hỗ trợ dạy nghề, xuất khẩu lao động, vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật... đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Mô hình sản xuất giống cây lâm nghiệp tại xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) góp phần nâng cao thu nhập cho các gia đình. |
Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh Thái Nguyên đã đạt nhiều thành tích nổi bật. Các chính sách hỗ trợ người nghèo được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng.
Theo đó, năm 2022, toàn tỉnh đã hoàn thành mục tiêu giảm trên 3.300 hộ nghèo và gần 2.000 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng 20 mô hình, dự án giảm nghèo, phát triển sản xuất, khởi nghiệp kinh doanh nhằm tạo sinh kế, thu nhập bền vững. Chương trình giảm nghèo luôn bám sát thực tiễn, kịp thời hỗ trợ nhanh nhất cho người dân về vốn vay, vật tư sản xuất và khoa học kỹ thuật.
Toàn tỉnh hiện còn gần 20.000 hộ nghèo, chiếm 6,1%; hơn 16.000 hộ cận nghèo, chiếm 4,8% số hộ của tỉnh (theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025). |
Với hình thức đầu tư trực tiếp, các mô hình giảm nghèo đã trở thành “đòn bẩy” giúp các hộ nghèo có phương tiện sản xuất, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững. Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Văn Xuân, xóm Phú, xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên); mô hình chăn nuôi gia cầm của ông Nguyễn Văn Thìn, xóm Làng Trò, xã Phấn Mễ (Phú Lương); mô hình sản xuất miến dong của gia đình ông Đặng Văn Tân, xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ)… Các mô hình này cho thu nhập 400-700 triệu đồng/năm, đã trừ chi phí.
Tiêu biểu trong số các địa phương xây dựng thành công mô hình giảm nghèo phải kể đến huyện Phú Bình. Nhằm xây dựng những mô hình kinh tế cho hiệu quả cao và hỗ trợ nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm… Hội Nông dân huyện Phú Bình đã thành lập mới một số hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), tổ hội nghề nghiệp, thu hút nhiều hội viên tham gia.
Cụ thể như: HTX chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My (xã Nga My); HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Minh Hòa (xã Thanh Ninh); THT nuôi thủy sản xóm Bình Định (xã Kha Sơn); Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò xóm Trầm Hương (xã Hà Châu); Tổ hội nghề nghiệp nuôi ong mật xóm Suối Lửa (xã Tân Thành); Tổ hội nghề nghiệp nuôi ong mật tổ dân phố Hòa Bình (thị trấn Hương Sơn)...
Hiện nay, các mô hình đều phát triển tốt, sản phẩm được thị trường đón nhận và mang lại giá trị kinh tế cao. Từ đó, phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, tạo sinh kế, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo, tạo nguồn lực vững chắc cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển và giảm nghèo bền vững.
Về phía tỉnh, để hỗ trợ các hộ nghèo, Thái Nguyên cũng khuyến khích nông dân trồng chè áp dụng cơ giới hóa trong khâu chế biến và sẽ hỗ trợ mua 18 máy sao chè bằng gas (không quá 62 triệu đồng/máy); hỗ trợ 40% kinh phí đầu tư công nghệ tưới tiết kiệm cho cây chè (không quá 20 triệu đồng/ha) đối với hộ có quy mô tối thiểu 2ha chè. Tổng diện tích trồng chè được hưởng chính sách này là 200ha.
Nhờ đẩy mạnh phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, nên hiện nay, Thái Nguyên không còn địa phương thuộc huyện nghèo. Bình quân mỗi năm, trên toàn tỉnh có hơn 21.000 người được đào tạo nghề và tạo việc làm mới, với mức thu nhập ổn định từ 5 đến hơn 10 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin