Năm 2023, Thái Nguyên phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 9%, tương đương 35 tỷ USD. Tuy nhiên, do bối cảnh kinh tế khó khăn, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh mới đạt gần 30% kế hoạch năm, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Sản xuất linh kiện điện thoại thông minh tại Công ty TNHH Glonics Thái Nguyên. (Ảnh T.L) |
Khó, nhưng không bỏ cuộc
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh mới đạt trên 11,56 tỷ USD, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt trên 11,27 tỷ USD (chiếm 97,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 20,6% so với cùng kỳ.
Ông Trần Quang, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, nhận định: Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức, rủi ro (lạm phát ở mức cao, xu hướng thắt chặt chi tiêu tại một số thị trường lớn như Mỹ, EU), cùng với tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine và xu hướng bảo hộ thương mại đã tiếp tục ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên. Đáng nói là, việc sụt giảm trong 5 tháng qua đều đến từ các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực trên địa bàn tỉnh. Như nhóm điện thoại, máy tính bảng và sản phẩm điện tử chỉ đạt trên 10,92 tỷ USD, giảm 20,3% so với cùng kỳ; kim loại màu và tinh quặng kim loại màu đạt 109,1 triệu USD, giảm 19,3%; sản phẩm từ sắt, thép đạt 14,3 triệu USD, giảm 21%...
Ở chiều ngược lại, do xuất khẩu hàng hóa gặp khó khăn nên nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất cũng giảm sâu so với năm 2022. Trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt trên 6,46 tỷ USD, giảm 28,2% so với cùng kỳ.
Đáng lo nhất là kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp (DN) FDI có sự sụt giảm mạnh, chỉ đạt gần 6,3 tỷ USD, giảm 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Điều này được dự báo sẽ ảnh hưởng đến nguồn hàng xuất khẩu trong thời gian tới. Cụ thể, một số mặt hàng có giá trị nhập khẩu phục vụ sản xuất của Tập đoàn Samsung trên địa bàn tỉnh là nguyên liệu và linh kiện điện tử chỉ đạt 5,99 tỷ USD (chiếm 92,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa), giảm tới 29,7% so với cùng kỳ.
Ngoài những DN sản xuất các nhóm hàng điện thoại, máy tính bảng và sản phẩm điện tử gặp khó khăn trong xuất, nhập khẩu, một số DN thuộc khu vực kinh tế trong nước cũng gặp khó, sụt giảm các đơn hàng xuất, nhập khẩu, như Công ty CP Thương mại Thái Hưng, Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên - VIMICO, Công ty TNHH Trung Thành và Công ty CP Giấy xuất khẩu Thái Nguyên...
Sản xuất thiếc thỏi xuất khẩu tại Nhà máy Kẽm điện phân (Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên). |
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Kiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Mỏ và Luyện kim Thái Nguyên (Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim), cho biết: Những năm gần đây, Công ty luôn sản xuất và gia công xuất khẩu gần 1.000 tấn thiếc các loại/năm, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho trên 80 lao động. Tuy nhiên, do khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường bị thu hẹp... nên từ đầu năm 2023 đến nay, Công ty phải cắt giảm một số lao động do không có đơn hàng sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời cố gắng duy trì mức lương tối thiểu cho số lao động còn lại thông qua việc bảo dưỡng, sửa chữa máy móc và vệ sinh môi trường lao động.
Đồng hành vì mục tiêu tăng trưởng
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, những ngày gần đây đã có những tín hiệu khả quan về xuất, nhập khẩu của tỉnh. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 292 triệu USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, trong tháng 5/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt trên 2,25 tỷ USD, tăng 9,6% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế FDI đạt gần 2,19 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 97,3%), tăng 9,8%; khu vực kinh tế trong nước đạt 60,9 triệu USD, tăng 3,6%. Đặc biệt, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 5 cũng quay lại đà tăng trưởng, là dấu hiệu tốt cho xuất khẩu hàng hóa từ nay đến cuối năm.
Nói về những thách thức trong hoạt động xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, cho rằng: Năm 2023, Thái Nguyên đặt mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 35 tỷ USD. Tuy nhiên, do các đối tác và thị trường xuất khẩu lớn của tỉnh như châu Á, EU và Hoa Kỳ đang đối mặt với lạm phát, suy thoái nên đã ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Đến cuối tháng 5/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh mới đạt xấp xỉ 30% kế hoạch năm, nếu chúng ta không có đột phá trong những tháng cuối năm, dự báo giá trị xuất khẩu cả năm khó hoàn thành mục tiêu, kế hoạch.
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 9% trong năm 2023, từ tháng 4/2023, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện tốt Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất, nhập khẩu. Trong đó, yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương trong tỉnh tích cực tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, thủ tục hành chính, giúp các DN xuất khẩu tiếp cận vốn; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu…
Còn trong tháng 5, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, 9 huyện, thành phố đã phối hợp tổ chức thành công các hội nghị đối thoại với cộng đồng DN, hợp tác xã nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất - kinh doanh. Việc nhìn nhận đúng những khó khăn, vướng mắc của các DN tham gia thị trường xuất khẩu để đưa ra các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn được đánh giá là rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Từ đó thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, nâng cao cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu và góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin