Cuối tháng 7, đầu tháng 8 hàng năm là thời điểm các hộ trồng nhãn trên địa bàn tỉnh bắt đầu mùa thu hái quả ngọt, sau thời gian vất vả chăm sóc. Tuy nhiên, năm nay, người trồng nhãn “kém vui” vì một số diện tích mất mùa và giá thu mua thấp.
Người dân xã Phú Thượng (Võ Nhai) kiểm tra vườn nhãn chuẩn bị cho thu hoạch. |
Đã từng có một khoảng thời gian nhãn là loại cây trồng giúp nhiều hộ dân ở xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên) cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống. Những vườn nhãn sai lúc lỉu chạy dọc theo con đường bê tông uốn lượn ở Khe Đù đem lại trải nghiệm thú vị cho bất cứ ai đặt chân đến miền quả ngọt này. Tận dụng đất vườn tạp, đồi bãi, bà con trong xóm đã phủ xanh đất trống bằng giống nhãn Miền (Hưng Yên), với tổng diện tích hơn 50ha. Từ cây nhãn, các hộ trong xóm có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Thế nhưng niềm vui của bà con chưa trọn, bởi từ năm 2020 đến nay, nhãn ra hoa rất sai nhưng lại bị thối, rụng quả non, làm giảm sản lượng thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng xóm Khe Đù, chia sẻ: Năm nay là năm thứ 4 liên tiếp bà con trong xóm bị mất mùa vì nhãn đậu quả rất thấp. Nhiều nhà vườn thất thu mặc dù bà con đã rất kỳ công trong việc chăm sóc, tỉa cành, bón phân. Thời gian qua, một số cơ quan chuyên môn của ngành Nông nghiệp đã về địa phương lấy mẫu kiểm tra, đánh giá và kết luận quả non bị thối, rụng không phải là do sâu bệnh. Trước thực trạng này, chúng tôi rất mong các đơn vị chức năng tổ chức đánh giá, quan trắc các chỉ tiêu về môi trường để tìm ra nguyên nhân cụ thể, giúp bà con tìm hướng khắc phục.
Không giống như ở Phúc Thuận, tại một số vùng trồng nhãn khác trong tỉnh như: Phú Thượng, Lâu Thượng, Tràng Xá, La Hiên (Võ Nhai); Hóa Thượng, Nam Hòa (Đồng Hỷ)… bà con vẫn được thu hoạch mùa quả ngọt. Tuy nhiên, giá cả đầu ra của nhãn lại là điều nhiều hộ dân băn khoăn.
Nhãn đầu mùa hiện được bán với giá 8-15 nghìn đồng/kg, tùy loại. |
Bà Nguyễn Thị Bảy, ở xóm Phố, xã La Hiên (Võ Nhai), cho hay: Từ năm 2020 trở về trước, vào đầu vụ, nhãn có giá 25-30 nghìn đồng/kg, còn chính vụ cũng đạt 20 nghìn đồng/kg. Vậy nhưng, 3 năm trở lại đây, giá nhãn xuống thấp, chỉ đạt trung bình từ 8 đến 10 nghìn đồng/kg và phụ thuộc nhiều vào thương lái thu mua. Cùng với đó, các chi phí sản xuất như: giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng cao, nên chúng tôi hầu như chẳng còn lợi nhuận.
Còn ông Trần Hữu Cường, ở xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai), nói: Nhà tôi có 300 gốc nhãn Miền, sản lượng dự ước năm nay đạt khoảng 5 tấn quả. Vài năm trước đây, nhãn được giá, trung bình 20 nghìn đồng/kg nên mỗi năm, nhà tôi có thu nhập hơn 100 triệu đồng từ trồng nhãn. Thế nhưng với tình hình thị trường hiện nay, thu nhập bị giảm một nửa so với cách đây 3 năm.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.500ha nhãn. Để nâng cao năng suất, chất lượng quả, thời gian qua, nhiều hộ dân đã thay thế những cây nhãn già cỗi, kém chất lượng; tiến hành cắt tỉa, ghép mắt giống nhãn chín sớm, chín muộn thay thế giống nhãn thóc, nhãn Hương Chi để rải vụ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, bà con cũng tiến hành sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP.
Bên cạnh đó, để phát triển một trong những cây ăn quả chủ lực của tỉnh (bên cạnh na, bưởi...), Thái Nguyên đã có một số chính sách hỗ trợ phát triển cây nhãn, như: hỗ trợ giá giống tại một số vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm… Ngành chức năng cũng tổ chức các mô hình, dự án ghép mắt nhãn để giúp bà con cải tạo vườn nhãn già cỗi, năng suất thấp.
Tuy nhiên, mặc dù các hộ trồng nhãn có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc tốt, thế nhưng để cây nhãn ra hoa, đậu quả nhiều thì thời tiết vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu, chiếm 70% điều kiện quyết định để nhãn được mùa hay mất. Còn lại 30% là yếu tố kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc để quả nhãn đạt chất lượng ngon ngọt, mẫu mã đẹp. Do đó, nguyên nhân nhãn ở một số vùng trồng bị mất mùa trong những năm gần đây là do ảnh hưởng không nhỏ bởi thời tiết.
Thực tế, những năm trước đây, nhãn là cây trồng chủ lực giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Song vài năm trở lại đây, giá nhãn xuống thấp đã khiến một số hộ phá bỏ để thay thế bằng những cây trồng khác.
Trước thực trạng trên, để phát huy hiệu quả kinh tế của loại cây ăn quả thế mạnh này, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần nhanh chóng tìm ra giải pháp phát triển hợp lý. Cùng với đó là các giải pháp nhằm kết nối sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để người nông dân không phải rơi vào vòng luẩn quẩn "trồng rồi chặt, chặt rồi lại trồng" như những loại cây trồng khác. Có như vậy, mỗi mùa nhãn mới thực sự là mùa quả ngọt của bà con.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin