Đầu tư xây dựng cơ bản giảm, sức tiêu thụ của thị trường giảm trong khi chi phí nguyên vật liệu tăng, hạn mức tín dụng ngân hàng bị siết chặt… đã và đang là những khó khăn đối với hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện vùng cao Võ Nhai nói riêng.
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Võ Nhai gặp khó khăn do giá nguyên liệu tăng, vốn vay bị siết chặt, lãi suất tăng trong khi thị trường tiêu thụ sụt giảm (ảnh minh họa). |
Hội Doanh nghiệp huyện Võ Nhai hiện có trên 50 thành viên. Ông Dương Văn Tám, Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng Võ Nhai, cho biết: Hầu hết thành viên đều chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19 và “hậu COVID-19”. Đặc biệt, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là 8 thành viên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.
Cũng theo ông Tám, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này hiện gặp khó khăn lớn nhất là chi phí vốn gia tăng, hạn mức tín dụng ngân hàng giảm. Do vậy, các doanh nghiệp đều “yếu” và hầu như không có khả năng cạnh tranh công trình, dự án dẫn tới khó chồng khó.
Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Ngọc Võ Nhai, cho biết thêm: Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng rất cao. Đơn cử như giá cát xây dựng bán tại trung tâm huyện là 460 nghìn đồng/m3, trong khi giá được phê duyệt của Sở Tài chính chỉ 260 nghìn đồng/m3 nên rất khó khăn cho chúng tôi khi xây dựng dự toán công trình.
Ở các lĩnh vực khác, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và người kinh doanh trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai cũng đang gặp phải tình trạng khó khăn tương tự.
Bà Phó Thị Lý, chủ một hộ sản xuất, chế biến gỗ tại xóm Đồng Ẻn, xã Tràng Xá, cho biết: Hiện nay, giá nguyên liệu, vật liệu đầu vào cao, chúng tôi buộc phải sản xuất cầm chừng, duy trì bằng 50% trước đây để đảm bảo việc làm, thu nhập, giữ chân người lao động. Trong khi đơn hàng xuất chậm, hàng tồn kho nhiều, lãi xuất ngân hàng còn cao...
Sản xuất bún khô tại Hợp tác xã Tiến Diện, xã Tràng Xá. |
Trước thực trạng đó, UBND huyện Võ Nhai, các ngành, ngân hàng hoạt động trên địa bàn huyện đã có nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh từng bước tháo gỡ khó khăn.
Bà Bùi Thị Sen, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, cho biết: UBND huyện thường xuyên nắm bắt những khó khăn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là qua đối thoại trực tiếp. Từ năm 2021 đến nay, UBND huyện Võ Nhai đã phối hợp với một số sở, ngành và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp thu, giải trình, giải quyết gần 60 ý kiến, nhóm ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Cùng với sự vào cuộc của UBND huyện và các cấp, ngành, ngân hàng hoạt động trên địa bàn huyện cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp (Agribank) Chi nhánh huyện Võ Nhai giảm 0,5%/năm lãi suất tất cả các khoản vay trung, dài hạn với tổng số dư nợ được giảm lãi suất là 543 tỷ đồng; đồng thời triển khai hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong một số lĩnh vực như: Nông nghiệp, nông thôn, lưu trú, ăn uống… Đối với các khoản vay mới, Agribank Võ Nhai có lộ trình giảm tối thiểu 0,6%/năm so với lãi suất đang áp dụng.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Agribank Võ Nhai, cho biết: Đặc biệt, chúng tôi đã triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính cơ cấu lại nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin