Giá cám giảm, người chăn nuôi vơi khó

Lương Hạnh 08:16, 30/08/2023

Sau hơn 2 năm liên tục tăng giá, từ đầu năm 2023 đến nay, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã có 4 đợt điều chỉnh giảm giá bán sản phẩm cám dành cho lợn, gà, vịt, bò… Điều này giúp các hộ chăn nuôi giảm bớt chi phí, có cơ hội phục hồi sản xuất sau một thời gian dài giá thức ăn chăn nuôi tăng “phi mã”.

2 tháng trở lại đây, cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi của gia đình chị Lê Thị Duyên, ở xóm Trám, xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) xuất bán được 30 tấn cám các loại, tăng 10 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
2 tháng trở lại đây, cửa hàng của gia đình chị Lê Thị Duyên, ở xóm Trám, xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) xuất bán được 30 tấn cám chăn nuôi các loại, tăng 10 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Tìm hiểu thực tế tại một số đại lý, cửa hàng trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam; Tập đoàn De Heus; Công Ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam; Công ty TNHH Cargill Việt Nam... đã có 4 lần thông báo giảm giá bán thức ăn chăn nuôi. Sau 4 lần điều chỉnh, giá cám gà hiện còn 340-380 nghìn đồng/bao 25kg và cám lợn 300-480 nghìn đồng/bao 25kg (giảm 10-25 nghìn đồng/bao tùy loại).

Việc giá cám giảm, cộng với giá bán một số loại sản phẩm chăn nuôi như thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm… đang ở mức có lãi giúp người chăn nuôi có cơ hội phục hồi sản xuất. Đồng thời, bà con đã rục rịch cải tạo, vệ sinh hệ thống chuồng trại, đầu tư con giống để tái đàn phục vụ thị trường dịp cuối năm.

Anh Hà Đức Chung, chủ trang trại gà ở tổ dân phố Văn Hữu, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ), chia sẻ: Thức ăn chăn nuôi là khoản chi phí chiếm tới 65-70% giá thành sản xuất. Hiện nay, giá cám đã giảm 15-25 nghìn đồng/bao 25kg so với thời điểm đầu năm. Nhà tôi đang nuôi gần 20 nghìn con gà, tính ra, chi phí nuôi lứa này tiết kiệm được gần 20 triệu đồng.

Không chỉ người chăn nuôi, các đại lý phân phối, hộ kinh doanh mặt hàng thức ăn chăn nuôi cũng phấn khởi khi giá cám giảm. Bởi lúc này, người dân mạnh dạn tái đàn nên lượng hàng bán ra cũng tăng hơn trước.

Chị Lê Thị Duyên, chủ cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi ở xóm Trám, xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên), cho biết: 2 năm vừa qua, giá thức ăn tăng cao, trong khi giá lợn hơi giảm xuống dưới mức giá thành nên nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ trống chuồng, khiến sản lượng tiêu thụ của cửa hàng giảm mạnh. Nay, giá thức ăn giảm, giá bán lợn, gà lại tăng nên tình hình kinh doanh đã khởi sắc hơn. 2 tháng trở lại đây, nhà tôi xuất bán ra thị trường hơn 30 tấn cám các loại, tăng 10 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân giá cám giảm là do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới đang “hạ nhiệt”, giá cước vận chuyển về nước cũng giảm gần về mức trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19. Do sản phẩm của các doanh nghiệp chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phần lớn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, nên khi giá nguyên liệu giảm, giá bán các sản phẩm này cũng được điều chỉnh giảm khoảng 10-20% so với hồi đầu năm.

Theo dự báo, trong thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi có khả năng tiếp tục được điều chỉnh theo hướng giảm dần. Động thái này có lợi cho người chăn nuôi, vì giá thành sản xuất sẽ giảm theo.

Giá bán thức ăn chăn nuôi giảm cộng với tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát, giá bán thịt lợn hơi trên thị trường tăng… là những tín hiệu khởi sắc để các hộ dân, trang trại tái đàn, gia tăng nguồn cung phục vụ thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024.

Tuy nhiên, dù giá thức ăn chăn nuôi đang “hạ nhiệt” nhưng vẫn ở mức cao so với thời điểm trước dịch COVID-19 (năm 2020). Thêm vào đó, giá cả đầu ra sản phẩm thịt lợn, thịt gà dịp cuối năm vẫn là điều khó đoán. Chính vì vậy, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên tăng đàn ồ ạt. Trong quá trình chăn nuôi, bà con nên kết hợp sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương như cám gạo, ngô, khoai, sắn… phối trộn với thức ăn công nghiệp để hạ giá thành sản phẩm.

Cùng với đó, bà con nên sử dụng các chế phẩm sinh học để ủ thức ăn cho đàn vật nuôi nhằm tăng khả năng tiêu hóa, hấp thụ thức ăn, sức đề kháng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất...