3 năm qua, khu vực kinh tế tập thể của huyện Định Hóa có sự bứt phá khá mạnh, đặc biệt là các hợp tác xã (HTX) đã thay đổi cả về lượng và chất. Qua đó đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trở thành điểm tựa để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương.
Đại diện ngành chức năng của tỉnh khảo sát thực tế tại HTX nông nghiệp Sơn Thắng, xã Sơn Phú (Định Hóa). |
Trong giai đoạn 2021-2022, trên địa bàn huyện Định Hóa có 16 HTX được thành lập mới. Riêng 7 tháng năm 2023, toàn huyện có thêm 7 HTX được thành lập, nâng tổng số HTX đang hoạt động lên 47 đơn vị, tạo việc làm thường xuyên cho gần 800 lao động nông thôn.
Là một trong những HTX thành lập năm 2022, anh Lưu Đức Hiển, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hợp Thành (xã Quy Kỳ), chia sẻ: Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của ngành chức năng, chúng tôi đã tập hợp được 8 hộ thành viên trong xã cùng chăn nuôi trâu, bò, lợn với quy mô tổng đàn từ 300-400 con và thành lập HTX, với tổng vốn điều lệ trên 1,2 tỷ đồng. Từ khi HTX đi vào hoạt động, các thành viên không chỉ có thêm cơ hội tiếp cận với các chương trình tập huấn kiến thức, mà còn tiết kiệm được chi phí sản xuất và thụ hưởng một số dịch vụ ưu đãi.
Hiện nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Hợp Thành đã ký kết hợp đồng với Công ty An Phú (Bắc Giang) cung ứng thức ăn chăn nuôi, lợn giống chất lượng và bao tiêu đầu ra, nếu thành viên có nhu cầu. Qua đó, các thành viên được mua cám với giá rẻ hơn từ 500-700 đồng/kg; mua con giống rẻ hơn 50 nghìn đồng/con so với thị trường. Theo tính toán, trung bình 1 lứa nuôi lợn, HTX tiết kiệm được 50-70 triệu đồng chi phí nhập cám.
Không chỉ tại xã Quy Kỳ, trong năm 2022, tại 11 xã chưa đạt chuẩn NTM, UBND huyện Định Hóa đã phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh tổ chức 10-15 lớp tuyên truyền chính sách pháp luật về phát triển kinh tế tập thể; tư vấn, hỗ trợ thủ tục thành lập HTX; mở 4 lớp đào tạo nâng cao năng lực quản trị, kỹ năng điều hành, xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh cho thành viên, ban giám đốc của các HTX; khảo sát, hỗ trợ nhu cầu vay vốn cho 6 HTX, giải ngân vốn vay cho 2 HTX với số tiền trên 800 triệu đồng…
Qua đó góp phần trợ lực cho các HTX hoạt động ngày càng ổn định. Hiện nay, một số HTX trên địa bàn huyện đã tạo ra sản phẩm chất lượng, có thương hiệu, giá trị kinh tế cao.
Đơn cử như HTX nông nghiệp Định Biên (xã Định Biên), dù mới được thành lập năm 2021 nhưng đã xây dựng thành công 2 sản phẩm: gạo bao thai Định Hóa và gạo nếp vải Định Hóa đạt OCOP 3 sao.
Ông Hà Sỹ Tung, Giám đốc HTX nông nghiệp Định Biên, cho hay: HTX đã thực hiện thành công quy trình sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp chứng nhận với diện tích 50ha. Sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tiêu thụ tốt hơn trước, hàng đóng gói đến đâu bán hết đến đó…
Hay như HTX nông nghiệp Sơn Thắng (xã Sơn Phú), theo Giám đốc Vũ Văn Quang: Hưởng lợi từ “Dự án liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè VietGAP”, HTX được Nhà nước hỗ trợ hơn 400 triệu đồng để đầu tư thêm 4 máy tôn, 4 máy vò, 2 máy hút chân không. Qua đó, chất lượng, năng suất sản phẩm chè búp khô của HTX được nâng lên, giá bán cũng nhờ vậy mà tăng từ 100 nghìn đồng/kg lên 200-250 nghìn đồng/kg…
Từ thực tế có thể thấy, gắn với nhiệm vụ xây dựng huyện NTM giai đoạn 2021-2025, quá trình củng cố, phát triển các HTX trên địa bàn huyện Định Hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Từ năm 2020 đến nay đã có 5 HTX xây dựng thành công 7 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Nhiều HTX được thành lập và hoạt động hiệu quả, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các thành viên và nhân dân địa phương. Bình quân thu nhập của các lao động thường xuyên trong HTX trên địa bàn huyện đạt 50 triệu đồng/người/năm. Đây cũng là yếu tố quan trọng để Định Hóa thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng NTM.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin