Thịnh Đức sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

Chung An 09:01, 15/08/2023

Với mục tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho các đối tượng chính sách, thời gian qua, xã Thịnh Đức đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách xã hội, phát huy hiệu quả nguồn vốn này. Đây là địa phương có dư nợ cao so với các xã, phường trên địa bàn TP. Thái Nguyên, đặc biệt là không có nợ xấu, nợ quá hạn trong suốt nhiều năm.

Có thêm nguồn vốn vay tín dụng chính sách, gia đình anh Nguyễn Văn Thành, ở xóm Cương Lăng, xã Thịnh Đức đã mở rộng thêm quy mô chăn nuôi, trồng trọt.
Nhờ được vay nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình anh Nguyễn Văn Thành, ở xóm Cương Lăng (xã Thịnh Đức) có thêm điều kiện mở rộng quy mô trồng cây cảnh và chăn nuôi lợn.

Năm 2021, anh Nguyễn Văn Thành, ở xóm Cương Lăng, đã đăng ký qua Đoàn Thanh niên xã Thịnh Đức và được vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua thêm cây cảnh về trồng và gây giống cho đàn lợn nái. Hiện nay, từ nghề trồng cây cảnh và chăn nuôi lợn, sau khi trừ các chi phí, gia đình anh thu được 300-400 triệu đồng mỗi năm.

Anh Thành chia sẻ: Nghề trồng cây cảnh và chăn nuôi cần nguồn vốn lưu động lớn, nên khi có vốn vay lãi suất thấp (0,67%/tháng - P.V), tôi đã đăng ký ngay. Mặc dù số tiền cho vay không nhiều nhưng đã giúp gia đình tôi trang trải một số công việc khi cần thiết. Chúng tôi mong được tiếp cận thêm với các nguồn vốn vay ưu đãi như vậy để có điều kiện mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Tính trên toàn địa bàn xã Thịnh Đức, đến nay, tổng dư nợ nguồn vốn chính sách đạt trên 12,4 tỷ đồng (tăng gần 550 triệu đồng so với đầu năm 2023), với 478 hộ vay vốn, ở 6 chương trình tín dụng, gồm: hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; hộ nghèo; cận nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hộ mới thoát nghèo; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Trong đó, 2 chương trình tín dụng chính sách có dư nợ cao gồm: hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, với tổng dư nợ hơn 3,7 tỷ đồng, 75 hộ vay vốn; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, có tổng dư nợ hơn 7,2 tỷ đồng, 365 hộ vay vốn. Đặc biệt, nhiều năm qua, xã Thịnh Đức không có nợ xấu, nợ quá hạn; 14/14 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được đánh giá hoạt động tốt.

Để đạt được những kết quả trên, Ban Giảm nghèo xã, trưởng các xóm đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác (gồm: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên) tiến hành rà soát, bình xét, xác định đúng đối tượng được thụ hưởng cho vay. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát theo hợp đồng ủy thác được các tổ chức hội, đoàn thể của xã phối hợp thực hiện tốt. 

Chị Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thịnh Đức, cho biết: Hội Liên hiệp Phụ nữ xã được giao ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách ở 3/14 xóm trên địa bàn xã. Để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng, Hội luôn chú trọng công tác bình xét đối tượng cho vay tại các tổ TK&VV. Đồng thời, giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn vay, đôn đốc người vay trả nợ gốc và lãi đúng thời hạn. Hiện nay, dư nợ nguồn vốn này của Hội là hơn 3,3 tỷ đồng, với 97 hộ vay...

Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận vốn tín dụng chính sách, xã Thịnh Đức còn phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị của TP. Thái Nguyên tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp các hộ dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả.

Thực tế cho thấy, sự hỗ trợ đắc lực từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, cải thiện đời sống người dân. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều ở xã Thịnh Đức giảm chỉ còn 1,35%, hộ cận nghèo là 0,85%, thu nhập bình quân của nhân dân tăng lên gần 56 triệu đồng/người/năm.


Từ khóa:

tín dụng chính sách

vốn