Dự án Quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC cho nhóm hộ gia đình tại xã Văn Hán (Đồng Hỷ) do Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Trường Thịnh Phát triển khai từ tháng 9/2020. Thực hiện Dự án, đến nay đã có hơn 500 hộ dân được cấp chứng chỉ rừng FSC trên diện tích 1.300ha rừng trồng. Tuy nhiên, diện tích rừng từ 5 tuổi trở lên đủ điều kiện khai thác chỉ chiếm một phần nhỏ. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, doanh nghiệp mong muốn được mở rộng diện tích rừng FSC phù hợp với tình hình sản xuất - kinh doanh của đơn vị.
Gia đình ông Nguyễn Trọng Vân, ở xóm Phả Lý, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) có 3ha trồng keo đảm bảo các tiêu chí và được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. |
Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Trường Thịnh Phát được thành lập từ năm 2018, trụ sở tại xóm Bờ Suối, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất gỗ keo xẻ, cung cấp đầu vào cho Công ty CP Chế biến lâm sản Nam Định (Nafoco) chế biến hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Thụy Điển và các nước châu Âu.
Hàng năm, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Trường Thịnh Phát sản xuất trung bình 12.000-15.000m3 gỗ nan xẻ, tương đương 25.000-30.000m3 gỗ tròn. Để xây dựng vùng nguyên liệu, tháng 9/2020, Công ty đã triển khai Dự án Quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC cho các hộ dân vùng Dự án.
FSC là chứng nhận được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội của các bên liên quan. Chứng chỉ này được cấp bởi Hội đồng quản lý rừng FSC (Forest Stewardship Council) - Tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập năm 1993 với mục tiêu phát triển và quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới. Rừng được cấp chứng chỉ FSC ngoài việc bán gỗ có giá cao hơn rừng trồng theo cách truyền thống, còn mang lại nhiều lợi ích về môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên đất, nguồn nước do rừng mang lại. |
Trong 2 năm tự mày mò, học hỏi, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Trường Thịnh Phát đã xây dựng kế hoạch, phương án và đánh giá thành công cấp chứng chỉ rừng FSC cho trên 500 hộ dân ở xã Văn Hán, với tổng diện tích trên 1.300ha rừng, vào tháng 10/2022. Trong số này, Công ty đã khai thác và đưa vào sử dụng hơn 100ha rừng, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Hán, cho biết: Các hộ dân tham gia vào nhóm chứng chỉ rừng FSC-FM là hoàn toàn tự nguyện và không phải bỏ ra bất kỳ chi phí nào.
Tuy nhiên, có một thực tế là căn cứ vào tình hình sản xuất thực tế của doanh nghiệp, thì diện tích rừng từ 5 tuổi trở lên (đủ điều kiện khai thác) ở huyện Đồng Hỷ chỉ chiếm một phần nhỏ. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, Công ty dự kiến mở rộng vùng nguyên liệu cho bà con có rừng trên địa bàn các xã lân cận, như: Cây Thị, Hợp Tiến, với diện tích thực tế 5.000-6.000ha.
Theo ông Phạm Văn Chung, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Trường Thịnh Phát: Xây dựng được vùng nguyên liệu như vậy mới đáp ứng được kế hoạch sản xuất hàng năm của đơn vị và duy trì được chứng chỉ rừng để các nhóm hộ dân không bị "cắt, dừng" chứng chỉ. Hiện nay, chúng tôi đã làm công văn gửi các cấp, ngành liên quan xin được mở rộng diện tích Dự án ra một số xã lân cận. Đặc biệt, để đợt đánh giá thường niên của chứng chỉ vào tháng 9/2023 đúng tiến độ và có kết quả tốt, chúng tôi mong muốn huyện Đồng Hỷ tạo điều kiện giúp doanh nghiệp duy trì và mở rộng chứng chỉ đúng thời hạn…
Huyện Đồng Hỷ là địa phương có diện tích rừng lớn của tỉnh, với trên 23.000ha, trong đó có hơn 5.500ha là rừng phòng hộ và gần 18.000ha rừng sản xuất. Với diện tích rừng trồng lớn như vậy, chứng chỉ FSC được coi như "tấm vé thông hành" cho sản phẩm gỗ rừng trồng của địa phương vươn ra thế giới, đặc biệt 2 thị trường lớn EU và Mỹ.
Hiện nay, việc cấp chứng chỉ rừng trên địa bàn do doanh nghiệp chủ động đầu tư nguồn kinh phí, phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện từ khâu điều tra, khảo sát diện tích rừng; lựa chọn các hộ tham gia; tổ chức tập huấn cho các nhóm hộ liên kết; thuê đơn vị tư vấn đánh giá để cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC tại địa phương...
Về nội dung này, ông Ngô Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, nhấn mạnh: Huyện đang chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương rà soát thị trường tiêu thụ sản phẩm từ rừng trồng. Thị trường nào bắt buộc phải thực hiện theo hệ thống chứng chỉ quốc tế thì xem xét mời các đơn vị tư vấn thực hiện nội dung rà soát, thẩm định hiện trường, đánh giá hồ sơ đủ điều kiện gửi tư vấn quốc tế xem xét cấp chứng chỉ FSC theo quy định. Chúng tôi cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp và người dân rà soát, lập hồ sơ quản lý rừng FSC, triển khai đánh giá hiện trường để cấp chứng chỉ rừng bền vững...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin