Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nào? (bài 3)

Nhóm P.V 10:06, 28/09/2023

Bài 3: Không chỉ là đầu tư lớn

Qua tìm hiểu tại một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, nông dân Thái Nguyên có tiềm lực cả về vốn và trình độ. Họ đã sẵn sàng cho một nền sản xuất tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên, hầu hết các mô hình đều đang phải đối mặt với khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, mà nông dân lại không thể "tự bơi”.

Mô hình trồng dưa lưới của gia đình anh Hoàng Sỹ, xã Phượng Tiến (Định Hóa) đạt giá trị trên 600 triệu đồng/ha/năm, nhưng khó nhân rộng vì thiếu thị trường tiêu thụ ổn định. Ảnh: Trinh An
Mô hình trồng dưa lưới của gia đình anh Hoàng Sỹ, ở xã Phượng Tiến (Định Hóa) đạt giá trị trên 600 triệu đồng/ha/năm, nhưng khó nhân rộng vì thiếu thị trường tiêu thụ ổn định. Ảnh: Trinh An

Đầu tư hàng trăm triệu đồng rồi bỏ không

Mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao của gia đình ông Vũ Hồng Long, ở xóm Thông Nhãn, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), được đầu tư khá bài bản, với 2 khu nhà kính rộng gần 2.000m2.

Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: Tôi nhận thấy, bên cạnh việc đầu tư vốn lớn, yêu cầu lực lượng lao động có trình độ quản lý và tay nghề cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng là yếu tố quyết định sự sống còn của mô hình NNCNC. Nếu sản phẩm NNCNC chưa xây dựng được nhãn hiệu thì rất khó bán ra thị trường. Nên trước khi đầu tư sản xuất, người dân cần tìm hiểu thị trường để lựa chọn những sản phẩm phù hợp...

Theo chia sẻ của ông Long, cậu con trai cả của gia đình (anh Vũ Mạnh Toàn, 31 tuổi), học chuyên ngành Công nghệ rau, hoa quả và cảnh quan tại Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, có 2 năm thực tập tại  Israel theo chương trình liên kết đào tạo sinh viên. Từ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm tích luỹ được, Toàn đã thuyết phục gia đình đầu tư cải tạo hơn 4.000m2 đất vườn tạp để xây dựng mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao.

Sau khi vay vốn ngân hàng, gia đình ông Long đã đầu tư hơn 500 triệu đồng lắp đặt hệ thống nhà kính hiện đại, tự động. Các loại cây trồng chủ lực gồm: rau ăn lá, dưa chuột, dưa lưới, hoa đồng tiền... Lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt từ 150 đến 200 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, năm 2021, con trai ông Long đi lao động ở nước ngoài, việc sản xuất được gia đình duy trì thêm một thời gian rồi ngưng hẳn. Khu nhà kính nhỏ diện tích 500m2 vừa được ông Long đưa 100 cây nho vào trồng thử, còn khu nhà lớn vẫn bỏ không vì chưa biết trồng gì.

Từ kinh nghiệm của gia đình, ông Long cho rằng, làm NNCNC không chỉ là đầu tư kinh phí, lắp đặt thiết bị tự động mà còn đòi hỏi người nông dân phải có kiến thức chuyên môn, hiểu biết cao về kỹ thuật canh tác và sử dụng công nghệ. Ngay cả khi đã làm ra những sản phẩm chất lượng nhưng nếu không tiêu thụ được sẽ cầm chắc thất bại. "Nếu hộ nông dân đơn độc đầu tư vào làm NNCNC thì vẫn là mạo hiểm" - ông Long nói.

Trồng chè trong nhà kính

Là một trong số ít hộ dân trồng chè trong nhà kính, anh Đinh Quốc Văn, 47 tuổi, ở xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh (Phú Lương), cho biết: Tôi có ý tưởng che chắn cho cây chè không bị ảnh hưởng bởi sương muối và gió rét để có thể thu hái liên tiếp vào vụ đông. Từ ý tưởng này, cuối năm 2014, tôi mua tre và nilon để làm giàn che trên diện tích 200m2 chè. Kết quả, chè vụ đông đạt năng suất tương đương với chính vụ, giá bán lại cao gấp đôi.

Có được kết quả khả quan, 1 năm sau đó, anh Văn mở rộng thêm 700m2 chè trồng trong nhà kính, đồng thời lắp đặt hệ thống tưới tự động. Năm 2016, được sự hỗ trợ của cơ quan khuyến nông, anh thay thế khung tre bằng ống kẽm và mở rộng diện tích chè trồng trong nhà kính lên hơn 1.000m2. Hiện, vườn chè của anh Văn được ứng dụng công nghệ tưới tự động, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.

Mỗi năm, anh Đinh Quốc Văn, 47 tuổi, xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh (Phú Lương) chỉ tiêu thụ được khoảng 30% số chè sản xuất trong nhà kính với giá cao. Số còn lại vẫn phải bán cho tư thương.
Anh Đinh Quốc Văn, ở xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh (Phú Lương), chỉ tiêu thụ được khoảng 30% số chè sản xuất trong nhà kính với giá cao. Số còn lại vẫn phải bán cho tư thương.

Việc trồng chè trong nhà kính giúp anh Văn giảm được công chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm chi phí vật tư. Đặc biệt, chè được che chắn nên không bị bám bụi bẩn, búp chè rất sạch, thuận tiện cho thu hái, chế biến. Sản phẩm chè trồng trong nhà kính rõ ràng có chất lượng vượt trội.

Dù vậy, theo anh Văn, nhà kính chỉ có tính chất hỗ trợ nhằm tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm chè, còn yếu tố quyết định nằm ở khâu chọn giống, chăm sóc, chế biến.

Hiện nay, ngoài diện tích chè trồng trong nhà kính, gia đình anh Văn còn có 1ha chè trồng các giống mới, chất lượng cao như: Bát Tiên, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên... mang hương thơm tự nhiên, được nhiều người ưa chuộng. Là Tổ trưởng Tổ sản xuất chè VietGAP của xóm Trung Thành 1, gia đình anh và nhiều hộ dân trong xóm đã hoàn toàn thay đổi tư duy cùng cách làm chè trước đây, tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt về cách trồng, chăm sóc và chế biến an toàn.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt: Chè là loại cây đặc sản của Thái Nguyên, chất lượng được tạo nên bởi nhiều yếu tố, bao gồm cả điều kiện tự nhiên như thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu… Thực tế tại các vườn chè của chúng tôi, khi che lưới đen sẽ làm cho chè bị cớm nắng, kém phát triển, búp và lá rất mỏng. Từ kinh nghiệm sản xuất, tôi sẽ không đưa chè vào trồng trong nhà lưới hay nhà kính. Tuy nhiên, ở những nơi không thuận lợi về nguồn nước tưới, khí hậu khắc nghiệt ảnh hưởng đến sự phát triển của cây thì người làm chè có thể cân nhắc...

Tại HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), đơn vị có nhiều sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có sản phẩm Chè tôm nõn đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao, cũng đã ứng dụng nhiều công nghệ mới vào hầu hết các khâu sản xuất chè.

Riêng với việc đầu tư nhà kính, nhà lưới, những năm trước đây, do chăm bón chưa khoa học, cây chè yếu nên HTX phải dùng lưới đen làm giàn che nắng. Đến nay, nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, cây chè rất khoẻ nên không cần che chắn.

Theo chia sẻ của người dân, ngoài đầu tư lớn, tổ chức sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, còn cần tạo niềm tin cho người tiêu dùng thông qua số hóa dữ liệu sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra để phục vụ phát triển thị trường...

Nỗi lo đầu ra

Theo tính toán của anh Văn, đầu tư 1.000m2 nhà kính, sau khoảng 5-7 năm sẽ đủ bù vốn và bắt đầu có lãi nếu có thị trường tốt.

Tuy nhiên, dù đã đầu tư hệ thống máy móc chế biến, đóng gói hiện đại, gia đình anh cũng chỉ tiêu thụ được khoảng 30% sản lượng được dán nhãn mác của cơ sở sản xuất, số còn lại phải bán cho thương lái ở dạng chè nguyên liệu với mức giá rất thấp.

Anh Văn nhẩm tính: Như năm nay, sản phẩm chè búp khô từ vườn trồng trong nhà kính có giá 300 nghìn đồng/kg, nhưng do tiêu thụ chậm nên tôi phải bán với giá chè thường ở mức 200 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, tôi cũng đầu tư kho lạnh để bảo quản 4 tấn chè búp khô, đợi thời điểm giá chè hợp lý mới bán ra.

Cùng chung bài toán về đầu ra của sản phẩm, ông Vũ Hồng Long chia sẻ, một trong những nguyên nhân chính khiến gia đình ông không tiếp tục đầu tư trồng rau, quả công nghệ cao là do việc bán hàng rất vất vả. Còn nếu bán cho tư thương thì sẽ bị ép giá. Khi sản phẩm rau sạch chưa khẳng định được lợi thế cạnh tranh trên thị trường thì tất yếu quy mô sản xuất hộ gia đình phải thu hẹp, hoặc dừng sản xuất...

(Còn tiếp...)


Từ khóa:

nông nghiệp

công nghệ cao