Thuộc Chương trình 135, là xóm đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số của xã Bàn Đạt (Phú Bình), những năm gần đây, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân xóm Đá Bạc đã chủ động thay đổi tư duy sản xuất, góp sức xây dựng hạ tầng nông thôn. Nhờ đó thu nhập cũng như đời sống vật chất, tinh thần của bà con không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Tuyến đường trục chính ở xóm Đá Bạc vừa được đổ bê tông tháng 9/2023. |
Có dịp trở lại Đá Bạc sau khoảng 2 năm, chúng tôi nhận thấy hầu hết các tuyến đường trục chính của xóm đã được cứng hóa. Nhà văn hóa được xây dựng rộng rãi, khang trang. Trong xóm đã có thêm nhiều ngôi nhà cao tầng bề thế…
Để có được thành quả này, theo ông Lục Thanh Lâm, Trưởng xóm Đá Bạc: Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền đến người dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, địa hình. Cùng với đó, xóm vận động bà con đối ứng tiền và ngày công lao động để xây dựng các công trình đường giao thông, nhà văn hoá… đảm bảo tiêu chí nông thôn mới.
Đá Bạc hiện có 210 hộ dân, trong đó 99% số hộ là người dân tộc Sán Dìu. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện nay, người dân trong xóm đã đưa vào trồng khoảng 45ha giống lúa lai BTE-1, TH3-7…, thay cho các giống lúa năng suất thấp trước đây. Cùng với việc áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, năng suất lúa của xóm đạt bình quân 50 tạ/ha (cao hơn khoảng 15 tạ/ha so với giống lúa Khang dân đối chứng). Tại xóm đã từng bước hình thành cánh đồng lúa một giống với diện tích 8ha.
Ngoài ra, nhờ lợi thế địa hình đồi núi thấp, cùng với phát triển kinh tế đồi rừng, bà con Đá Bạc còn phát triển chăn nuôi gia trại nhằm tăng thu nhập cho gia đình.
Ông Lục Văn Báo, người dân xóm Đá Bạc, cho hay: Tận dụng khoảng 6.000m2 đất vườn đồi, gia đình tôi đã chăn nuôi gà thả đồi từ 7 năm nay. Mỗi năm, tôi nuôi 2 lứa, mỗi lứa từ 4.500-5.000 con gà ta lò. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Gia đình ông Lục Văn Báo nuôi 4.500-5.000 con gà/lứa, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. |
Cũng theo chia sẻ của Trưởng xóm Lục Văn Lâm, trước đây, đời sống của người dân xóm Đá Bạc chưa khấm khá là do bà con chưa nắm chắc kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; chưa có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất… Do đó, sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình chứ chưa thể làm kinh tế.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ được hướng dẫn về khoa học kỹ thuật và sự hỗ trợ về vốn vay để phát triển sản xuất, xóm đã có 40 hộ chăn nuôi lợn quy mô 20-100 con/lứa; 15 hộ chăn nuôi chăn nuôi gà thả đồi quy mô hàng nghìn con/lứa.
Ngoài ra, xóm có khoảng 200 người trong độ tuổi lao động đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và mang về thu nhập khá cho gia đình. Đến nay, thu nhập bình quân của xóm Đá Bạc đạt 35 triệu đồng/người/năm (tăng 23 triệu đồng so với năm 2015); số hộ nghèo giảm còn 20 hộ (giảm 60 hộ so với năm 2015); 80% số hộ có nhà ở kiên cố…
Kinh tế phát triển, bà con có điều kiện đóng góp, đối ứng để xây dựng các công trình phúc lợi cộng đồng. Trong 10 năm qua, người dân Đá Bạc đã đóng góp khoảng 2 tỷ đồng để đổ bê tông 6km đường trục chính, nâng tổng chiều dài đường bê tông đã được cứng hoá lên 9km; hiến trên 27.000m2 đất và hàng nghìn ngày công lao động… Cùng với đó, người dân cũng đóng góp trên 400 triệu đồng để xây dựng nhà văn hoá xóm, với diện tích sử dụng 170m2...
Nói về định hướng của xóm trong thời gian tới, ông Lục Văn Lâm cho biết thêm: Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con đóng góp tiền để lắp đặt 4km đường điện chiếu sáng, thiết bị tập thể dục thể thao ngoài trời tại nhà văn hóa xóm vào tháng 11 tới. Cùng với đó là cứng hóa 2km đường trục chính còn lại; vận động bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi… Từ đó nâng cao hơn nữa thu nhập, đời sống của người dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin