Phát triển dịch vụ logistics sẽ thúc đẩy giao thương trên tất cả các hoạt động thương mại - dịch vụ, định hình chuỗi kết nối cung - cầu gắn với thương mại điện tử. Trên đà phát triển công nghiệp, cùng những lợi thế về hạ tầng giao thông, Thái Nguyên có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics.
Khu vực cảng Đa Phúc (TP. Phổ Yên) cần được đầu tư nâng cấp đồng bộ để khai thác hiệu quả vận tải đường sông. Ảnh: T.L |
Với 12 khu công nghiệp và 41 cụm công nghiệp đã được quy hoạch, trong đó 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, Thái Nguyên đang có nguồn hàng vô cùng lớn, với nhu cầu vận chuyển khắp cả nước và quốc tế. Trong đó, với nguồn hàng là thép, khoáng sản, sản phẩm may mặc từ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và các khu công nghiệp Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công I, II… đang được vận chuyển bằng đường bộ đến khu vực cảng biển. Nguồn hàng khoáng sản, thép… từ các mỏ và các nhà máy trên địa bàn tỉnh vận chuyển bằng đường bộ đến cụm cảng Đa Phúc và các tỉnh lân cận để tiêu thụ.
Bên cạnh đó hệ thống giao thông phát triển, kết nối với nhiều khu kinh tế, cảng biển, cảng hàng không của Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, trong tương lai, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẽ tăng mạnh, nên việc phát triển dịch vụ logistics là rất cần thiết.
Tuy nhiên, nhìn một cách khái quát, ngành Dịch vụ logistics của tỉnh còn chưa xứng với tiềm năng. Theo Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh, trên địa bàn vẫn chưa có hệ thống kho bãi hiện đại để phát triển ngành dịch vụ logistics; các doanh nghiệp của tỉnh chưa tham gia sâu vào chuỗi dịch vụ logistics, nên đã hạn chế đáng kể khả năng lưu thông hàng hóa.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị nào thực hiện toàn bộ các khâu của dịch vụ logistics, các doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ logistics chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ tham gia vào một hoặc một số khâu trong loại dịch vụ này. Các doanh nghiệp sản xuất lớn trên địa bàn thường tự thực hiện một số khâu trong logistics và thuê các đơn vị thực hiện các khâu còn lại.
Đại diện Công ty TNHH MTV Logistics Thái Hưng cho biết, đơn vị đang rất chú trọng để phát triển mạnh về dịch vụ này, nhưng với hệ thống kho bãi còn hạn chế, tỉnh chưa có cụm cảng nội địa lớn, khi thực hiện vận chuyển hàng hóa phải đi thuê cầu cảng Đa Phúc và đưa thiết bị từ TP. Thái Nguyên để bốc xếp nên cũng ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển.
Cảng nội địa Đa Phúc cho phép tàu trọng tải tương đối lớn (khoảng 1.500 tấn) hoạt động. Nếu được đầu tư nạo vét và hệ thống kho bãi được xây dựng hiện đại, có thể lưu giữ container thì chắc chắn việc phát triển dịch vụ logistics sẽ thuận lợi hơn.
Từ những tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh cần đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics; đầu tư mở rộng hạ tầng logistics khu vực trong khu công nghiệp. Thêm vào đó, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp sàn giao dịch thương mại điện tử; đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử để phát triển logistics gắn với thương mại điện tử.
Đồng thời, để phát triển thị trường dịch vụ logistics, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thu hút nguồn hàng từ các tỉnh khu vực đông bắc Bắc bộ trung chuyển qua khu vực cảng Đa Phúc để vận chuyển đến các tỉnh đồng bằng bắc bộ, cảng biển và ngược lại. Ngoài ra, cần tổ chức đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công việc về logistics.
Có thể thấy, Thái Nguyên có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện, nhu cầu vận chuyển hàng hóa mang tính chuyên nghiệp ngày càng tăng. Nhưng để dịch vụ logistics phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế cần có chiến lược, đầu tư xây dựng hạ tầng và cả chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin