Định Hóa là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch bởi lợi thế về cảnh quan thiên nhiên hữu tình, nhiều di tích lịch sử và nét đặc sắc về văn hóa, ẩm thực độc đáo. Đại hội Đảng bộ huyện Định Hóa lần thứ XXIV xác định phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch lịch sử - văn hóa là một trong những đột phá của huyện trong nhiệm kỳ 2020-2025. Nhiều giải pháp đã được triển khai và thu được kết quả ban đầu. Tuy vậy, du lịch của Định Hóa còn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và cần có một “cú hích” đủ mạnh để tạo đột phá hơn nữa.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đèo De thu hút rất nhiều đoàn khách tham quan, chiêm bái. |
Nhen nhóm các mô hình du lịch cộng đồng
Cụ thể hóa mục tiêu đột phá của nhiệm kỳ, UBND huyện Định Hóa đã ban hành đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc trên địa bàn, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trọng tâm là xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng để tạo lực hút đối với du khách.
Điểm du lịch cộng đồng xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình, là một trong những cơ sở đầu tiên được hỗ trợ theo Đề án. Dự kiến nơi đây được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp đường giao thông nội bộ và bãi đỗ xe chung; điểm đón tiếp, trưng bày, cung cấp thông tin du lịch cộng đồng; cơ sở lưu trú (homestay); nhà hàng ẩm thực truyền thống kết hợp trưng bày, giới thiệu, bán quà lưu niệm, sản phẩm OCOP và đặc sản của địa phương... tổng kinh phí khoảng 5 tỷ đồng.
Ông Hà Tiến Khải - một trong những chủ hộ làm du lịch cộng đồng ở xóm Khuôn Tát, cho biết: Gia đình tôi đã đầu tư một nhà sàn có thể lưu trú 25 khách du lịch, cùng vườn cây ăn quả, vườn hoa, cây dược liệu và ruộng lúa phục vụ trải nghiệm; dịch vụ bể bơi, tắm thảo dược, ngâm chân bằng lá thuốc, bấm huyệt.
Du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Điểm du lịch cộng đồng xóm Khuôn Tát. |
Làng văn hóa dân tộc Bản Quyên ở xã Điềm Mặc đã được công nhận là điểm du lịch cộng đồng từ khá lâu. Nơi đây gắn liền với Di tích lịch sử đồi Khau Tý - địa điểm đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc khi về ATK Định Hóa (năm 1947) để lãnh đạo kháng chiến; cùng nét văn hóa đặc trưng của người Tày.
Từ năm 2015 đến nay, người dân Bản Quyên đã được hỗ trợ phục dựng một số căn nhà sàn truyền thống phục vụ khách lưu trú; nâng cấp đường bê tông, xây dựng cọn nước và duy trì Đội văn nghệ... Bản Quyên đã tiếp đón một số đoàn khách đến tham quan và nghỉ lại, nhưng số lượng chưa nhiều và có xu hướng giảm dần.
Cùng với 2 địa điểm nói trên, UBND huyện Định Hóa cũng tiến hành khảo sát đưa vào khai thác các điểm du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn, văn hóa trà tại các xóm Phú Ninh, Đồng Kệu (Phú Đình); Bản Bắc, Bản Quyên, Song Thái (Điềm Mặc); phối hợp khảo sát du lịch khám phá ở Thâm Bây (Quy Kỳ), Khau Què (Linh Thông); du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng hồ Bảo Linh (xã Bảo Linh); du lịch cộng đồng gắn với di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng tại các địa điểm nhà tù Chợ Chu - chùa Hang - hồ Bảo Linh...
Chưa đủ hấp dẫn du khách
Theo thống kê, trung bình mỗi năm, huyện Định Hóa thu hút khoảng 600 nghìn lượt du khách về nguồn, tham quan di tích lịch sử, tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm các làng nghề.
Tuy vậy, doanh thu từ dịch vụ du lịch không đáng kể do tỷ lệ lưu trú rất thấp; chưa thu vé tham quan di tích, chi tiêu của khách chủ yếu dành cho ăn uống.
Trái với hào hứng ban đầu, mô hình du lịch cộng đồng của gia đình ông Hà Tiến Khải ở Khuôn Tát hiện khá thưa vắng. Thỉnh thoảng mới có khách đến chụp ảnh, đặt cơm; số người nghỉ lại hầu như không có. Doanh thu của cơ sở chỉ đủ thuê nhân công trông coi và dọn dẹp, số vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng chắc còn rất lâu mới có thể thu hồi.
Lý giải điều này, ông Khải cho rằng: Hiện mới có gia đình tôi làm du lịch, các hộ xung quanh đã đăng ký vay vốn để xây dựng cơ sở lưu trú nhưng chưa được triển khai. Mô hình đơn lẻ, ít dịch vụ trải nghiệm nên chưa thực sự hấp dẫn.
Tương tự với Bản Quyên, từ đầu năm tới nay, các cơ sở lưu trú của bà con mới đón hơn chục lượt du khách, chủ yếu là khách nước ngoài nhờ một công ty lữ hành kết nối.
Ông Ma Đình Soạn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Điềm Mặc, người dành tâm huyết đầu tư làm du lịch cộng động, cho biết: Khách nước ngoài rất thích trải nghiệm thu hái, sao sấy và thưởng thức trà do chính tay mình cùng làm, rồi nghe hát Then, làm đàn Tính và các món ăn dân dã. Dịch vụ chúng tôi có thể cung cấp cũng chỉ có thế, tham quan trải nghiệm trong nửa ngày là hết. Ngoài ra, cơ sở cũng mới có phòng tập thể, chưa bố trí được phòng nghỉ riêng nếu khách có nhu cầu.
Thiếu cơ sở lưu trú, nhất là phòng nghỉ có chất lượng để phục vụ nhu cầu du khách là thực trạng chung về phát triển du lịch của huyện Định Hóa.
Ngoài ra, khả năng kết nối giữa các điểm di tích, danh thắng trên địa bàn; giữa ATK Định Hóa với ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn) và ATK Tân Trào (Tuyên Quang) còn hạn chế; ý thức, kiến thức về du lịch cộng đồng của người dân mới hình thành, thiếu sản phẩm đặc trưng về ẩm thực, văn hóa nên khó níu chân du khách.
Hoạt động giao lưu, đốt lửa trại trong Lễ hội Lồng tồng ATK Định Hóa. |
Giải pháp đồng bộ để phát huy lợi thế
Để tạo bước đột phá phát triển du lịch Định Hóa, “bài toán” về nguồn lực là một trong những vấn đề quan trọng nhất cần lời giải. Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” xác định tổng kinh phí thực hiện cần huy động là gần 353 tỷ đồng, phần lớn là huy động xã hội hóa.
Địa phương đang tập trung làm tốt công tác quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư phát triển du lịch, nhất là cơ sở lưu trú và các dịch vụ hấp dẫn du khách.
Bà Hoàng Thị Ngà, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Định Hóa
Nguồn kinh phí này sẽ tập trung đầu tư phát triển 3 sản phẩm du lịch, gồm: Du lịch cộng đồng gắn với văn hóa dân tộc thiểu số tại xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc; du lịch cộng đồng gắn với di tích lịch sử, danh thắng, di sản văn hóa, sinh thái, văn hóa trà tại xóm Phú Ninh và Khuôn Tát, xã Phú Đình và du lịch cộng đồng gắn với di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng tại các địa điểm nhà tù Chợ Chu - chùa Hang - hồ Bảo Linh và Thâm Bây (xã Quy Kỳ); đồng thời tiếp tục bảo tồn, tôn tạo, phát huy di sản văn hóa; phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến, quảng bá du lịch; hỗ trợ xây dựng các cơ sở lưu trú...
Ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã Phú Đình: Để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn người dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là nếp nhà sàn, các làn điệu hát Then, đàn Tính, hát Pả Dung; đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan các nương chè và xây dựng nông thôn mới xanh - sạch - đẹp. |
Ông Mông Chí Mùa, Phó Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc, nhấn mạnh: Cùng với đầu tư nguồn lực xây dựng hạ tầng và các điều kiện phát triển du lịch, tôi đề xuất ngành chức năng tăng cường hỗ trợ địa phương kết nối với các đơn vị lữ hành để có nguồn khách ổn định.
Còn ông Bùi Việt Điệp, Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa, thì cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Ban Quản lý với các địa phương và cơ quan chuyên môn để tổ chức các tour du lịch về nguồn, hoạt động giáo dục trải nghiệm kết hợp tham quan danh thắng, tìm hiểu văn hóa và thưởng thức ẩm thực. Mục tiêu là kết nối và tạo ra nhiều dịch vụ hấp dẫn đề giữ chân du khách…
Ông Ma Đình Soạn, xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc: Bản đồ du lịch và phần lớn di tích lịch sử tại ATK Định Hóa đã được số hóa. Tôi đề nghị quảng bá nhiều hơn để du khách chủ động lộ trình, lựa chọn điểm đến và trải nghiệm dịch vụ phù hợp. Người dân cũng cần sự hỗ trợ đồng bộ hơn, nhất là điều kiện lưu trú, phát triển sản phẩm văn hóa, ẩm thực đặc trưng và tập huấn cách thức phục vụ khách sao cho chu đáo nhất. |
Rõ ràng, mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Định Hóa cần cả một hành trình dài. Định hướng và lộ trình cụ thể đã được vạch ra, để tới đích sớm cần sự vào cuộc đồng bộ của ngành chuyên môn, chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân. Từ đó biến tiềm năng du lịch thành lợi thế, trở thành động lực phát triển cho vùng đất chiến khu xưa.
Trên địa bàn huyện Định Hóa hiện có 183 điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 1 di tích Quốc gia đặc biệt (gồm 13 di tích thành phần); 18 di tích Quốc gia và 27 di tích cấp tỉnh. Huyện còn có 5 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Nghi lễ Then của dân tộc Tày; múa rối cạn dân tộc Tày ở xã Đồng Thịnh và Bình Yên; Lễ hội Lồng tồng; Lượn cọi của người Tày; Pả Dung của người Dao. Ngoài ra, 2 món ăn đặc trưng của địa phương là bánh trứng kiến và cơm lam đã được Hội Kỷ lục gia Việt Nam chọn vào Top món ăn đặc sản Việt Nam. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin