Thái Nguyên là tỉnh có diện tích trồng chè dẫn đầu cả nước, với gần 25.000ha. Để nâng “chất” sản phẩm chè, Hội Chè Thái Nguyên đã phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Gần đây nhất, Hội phối hợp với Liên hiệp tổ chức tập huấn “Sản xuất chè hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ).
Hiện nay, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) có 50ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ. Trong ảnh: Bà con tổ dân phố 5, thị trấn Sông Cầu, thu hái chè. |
Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè Thái Nguyên, cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm chè trên thị trường trong nước và quốc tế, tỉnh Thái Nguyên sản xuất chè hữu cơ từ năm 1998 và đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế IFOAM. Nhưng vì không có thị trường tiêu thụ nên mô hình này không duy trì được. Cho đến nay, diện tích chè hữu cơ trên địa bàn tỉnh mới đạt 65ha, trong đó có 60ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam và 5ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ IFOAM.
Nhằm từng bước chuyển đổi nhận thức của người dân từ canh tác chè truyền thống sang sản xuất chè theo hướng hữu cơ, thời gian qua, Hội Chè Thái Nguyên luôn chú trọng chuyển giao quy trình trồng chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ cho người dân. Mới đây nhất là lớp tập huấn “Sản xuất chè hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ).
Bà Nguyễn Thị Ngà chia sẻ thêm: Chúng tôi đã triển khai nhiều mô hình sản xuất chè hữu cơ, nhưng sản xuất chè hữu cơ gắn với liên hết tiêu thụ sản phẩm là lần đầu tiên. Sở dĩ chúng tôi chọn thị trấn Sông Cầu là nơi tổ chức tập huấn là bởi, vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi để phát triển vùng chè đặc sản. Nhiều năm nay, người dân biết tận dụng tối đa lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu để tạo nên những sản phẩm chè xanh truyền thống có hương thơm, vị đượm rất đặc trưng, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Bà Phạm Thị Thanh Xuân, tổ dân phố 5, thị trấn Sông Cầu, một học viên tham gia lớp tập huấn, bày tỏ: Gia đình tôi có 5 sào chè trồng theo hướng hữu cơ từ năm 2021. Việc chăm sóc chè theo hướng hữu cơ cũng tương đối kỳ công, tỉ mỉ. Quá trình chăm sóc cây chè không được dùng phân kích thích mà phải bón phân hữu cơ, dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học theo ngày quy định, đảm bảo thời gian cách ly trước khi xuất bán. Chè trồng theo cách này đảm bảo an toàn, chất lượng tốt, tuy nhiên sản phẩm làm ra hiện vẫn gặp khó trong khâu tiêu thụ. Với việc tham gia lớp tập huấn, chúng tôi kỳ vọng sản phẩm làm ra sẽ được giới thiệu kết nối, quảng bá để tiêu thụ thuận lợi hơn...
Ông Đỗ Văn Hòa, Chủ tịch Công ty CP BioFarm Việt Nam, cho biết: Chúng tôi là đối tác tư vấn, liên kết trong sản xuất chè hữu cơ và tiêu thụ sản phẩm. Qua khảo sát tại một số hợp tác xã, làng nghề chè trên địa bàn thị trấn Sông Cầu, chúng tôi nhận thấy địa phương đủ điều kiện để hợp tác sản xuất và bao tiêu sản phẩm chè.
Hy vọng, với sự nỗ lực hợp tác giữa Công ty, chính quyền địa phương và người dân làm chè, trong tương lai gần, thị trấn Sông Cầu sẽ chuyển đổi thành công toàn bộ diện tích 338ha chè hiện có sang sản xuất hữu cơ và là vùng chè hữu cơ điển hình của tỉnh Thái Nguyên được hỗ trợ, tư vấn liên kết và tiêu thụ sản phẩm...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin