Trong bối cảnh kinh tế của tỉnh cũng như cả nước gặp nhiều khó khăn suốt năm 2023, một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch, việc cải thiện môi trường đầu tư và kết quả thu hút đầu tư của Thái Nguyên có thể coi là một điểm sáng. Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp (DN), hoạt động đồng hành với DN của tỉnh ngày càng thực chất, công tác xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh...
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng và Đoàn công tác của tỉnh khảo sát, làm việc tại Khu kinh tế ViMariel, trong chuyến công tác nhằm xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế tại Cuba, tháng 11-2023. Ảnh: Đình Lộc |
Đối thoại thực chất hơn
"Chính quyền ngày càng hiểu DN hơn và cộng đồng DN cũng hiểu chính quyền hơn, cùng tìm “tiếng nói chung” để đồng hành phát triển". Đó là nhận xét của ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Thái Nguyên. Cũng theo ông Quang, chính quyền hiểu DN hơn khi thực sự lắng nghe, thấu tỏ những khó khăn, nguyện vọng của DN. Trong khi DN được tương tác nhiều hơn với cơ quan Nhà nước, được thẳng thắn bày tỏ những kiến nghị, đề xuất, tham gia xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách; được giải đáp thấu đáo những thắc mắc, vướng mắc để cùng bàn thảo cách tháo gỡ…
Tại Thái Nguyên, việc các sở, ngành và địa phương tổ chức gặp mặt, đối thoại trực tiếp với cộng đồng DN đã "vào nếp" từ nhiều năm nay, nhưng theo đồng chí Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động này được triển khai đồng bộ, bài bản và thực chất, hiệu quả hơn trong năm 2023. Sự đồng bộ thể hiện ở việc chỉ đạo và triển khai thống nhất từ cấp tỉnh đến các ngành, địa phương (ngày 14/7/2023, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương cấp huyện tổ chức hội nghị đối thoại với cộng đồng DN).
Đồng chí Bùi Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Phổ Yên, cho biết: Ngoài những cuộc đối thoại tập trung, lãnh đạo thành phố thường xuyên nắm bắt tình hình DN trên địa bàn qua nhiều kênh để kịp thời động viên, giải quyết những vướng mắc, khó khăn của DN.
Một điểm đáng chú ý nữa là trong năm 2023, lần đầu tiên Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri, đối thoại với cộng đồng DN. Cùng với đó, nhiều hội nghị đối thoại cấp tỉnh được tổ chức, thu hút sự tham gia của hàng trăm DN và nhiều thành phần xã hội khác.
Hạ tầng giao thông của tỉnh đang được đẩy mạnh đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, giúp Thái Nguyên tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư. Ảnh: Nguyên Ngọc |
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Trọng Hiếu cho biết thêm: Các cuộc đối thoại đều có sự tham gia của Ban Chấp hành Hiệp hội DN tỉnh và các hội DN. Nội dung, kết quả đối thoại được thông tin đầy đủ, lan tỏa rộng rãi đến các DN. Vai trò của các hội DN thông qua đó ngày càng rõ nét hơn, khi không chỉ làm tốt chức năng “cầu nối” giữa DN với cấp ủy, chính quyền mà còn thực sự tham gia giám sát việc triển khai những cơ chế, chính sách, những cam kết của cấp, ngành liên quan với DN.
Trong năm 2023, có 18 sở, ngành, UBND cấp huyện tổ chức đối thoại trực tiếp với cộng đồng DN. Trong đó có những cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều cuộc đối thoại, như: Bảo hiểm Xã hội tỉnh tổ chức 12 cuộc; Công an tỉnh 11 cuộc; Cục Thuế tỉnh 8 cuộc… Qua đối thoại, có tổng số trên 500 ý kiến, kiến nghị của DN được tiếp thu, giải quyết kịp thời. |
Nhiều giải pháp được triển khai đồng loạt
Nhìn vào tình hình “sức khỏe” của DN và kết quả thực hiện các chỉ tiêu của tỉnh trong năm 2023 có thể thấy rõ những khó khăn chúng ta đang phải đối mặt; những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và cả xã hội trong việc sát cánh cùng giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để DN phát triển sản xuất - kinh doanh.
Ngoài hoạt động đối thoại trực tiếp với DN, có thể kể đến một loạt giải pháp được tỉnh chỉ đạo triển khai trong năm nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Trước hết phải kể đến sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh.
Ví dụ như ngay sau khi Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 được công bố vào tháng 4-2023 (Thái Nguyên xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2021), Ban Chỉ đạo PCI tỉnh đã tổ chức hội nghị để rà soát, đánh giá chi tiết các chỉ số thành phần; đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm phát huy các chỉ số tăng điểm; khắc phục, nâng điểm những chỉ số còn đạt thấp.
Ngay sau Hội nghị này, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện quyết liệt, kịp thời nhiều giải pháp hỗ trợ DN và nâng cao Chỉ số PCI. Cụ thể là: hỗ trợ DN chuyển đổi số; cắt giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính, hỗ trợ pháp lý; giải pháp về tài chính, tín dụng ngân hàng, thuế; xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; khoa học – công nghệ; hỗ trợ đào tạo lao động…
Tháng 5-2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn. Tổ có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án; giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các ngành và địa phương để giải quyết vướng mắc phát sinh; thống nhất, đề xuất giải pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư. |
Đơn cử như trong hoạt động hỗ trợ DN chuyển đổi số, các cơ quan chức năng đã hướng dẫn, tư vấn thiết kế miễn phí hệ thống mạng LAN, phương thức kết nối Internet cho nhiều DN nhỏ và vừa; triển khai đào tạo miễn phí về công nghệ số cho người lao động trong DN; hỗ trợ hơn 4.100 lượt cài đặt/bản quyền phần mềm quản trị DN; triển khai thành công hóa đơn điện tử cho 100% DN…
Hay như trong cấp phép đầu tư, cơ quan chuyên môn đã hỗ trợ DN nhỏ và vừa đăng ký 100% hồ sơ qua mạng Internet, rút ngắn thời gian trả kết quả đăng ký DN từ 3 ngày xuống còn 1-2 ngày, kết quả chấp thuận chủ trương đầu tư từ 35 ngày xuống 25 ngày.
Hạ tầng các khu công nghiệp của tỉnh đang được đẩy mạnh đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, giúp Thái Nguyên tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư. Trong ảnh: Khu công nghiệp Sông Công 2. Ảnh: Nguyên Ngọc |
Về hoạt động xúc tiến đầu tư, ngoài các diễn đàn trong tỉnh, trong nước, điểm nổi bật trong năm qua là Thái Nguyên đã tổ chức nhiều đoàn công tác tìm hiểu cơ hội hợp tác tại nước ngoài như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Qua đó, nhiều tổ chức, tập đoàn nước ngoài cho biết sẽ tìm hiểu và có kế hoạch hợp tác, đầu tư vào Thái Nguyên.
Trong bối cảnh chung vẫn còn nhiều khó khăn, năm qua, kết quả thu hút đầu tư của Thái Nguyên vẫn đạt mức khá. Chỉ tính đến hết tháng 10-2023, tỉnh đã chấp thuận nhà đầu tư 10 dự án với tổng số vốn 1.503 tỷ đồng; có 31 dự án FDI được cấp mới và 10 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn gần 240 triệu USD. Đặc biệt, Tập đoàn Trina Solar (Trung Quốc) vừa quyết định đầu tư thêm 420 triệu USD vào Thái Nguyên để triển khai dự án về quang điện…
Môi trường đầu tư tốt là tổng hòa của nhiều yếu tố, ngoài nguyên nhân khách quan như vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên… thì yếu tố chủ quan, nhất là năng lực điều hành, chất lượng phục vụ của chính quyền luôn rất quan trọng. Thái Nguyên đang nỗ lực làm tốt điều này, thể hiện ở những giải pháp và kết quả cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh trong năm qua. Điều đó cùng với những nền tảng sẵn có sẽ giúp tỉnh tạo thêm nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin