Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thời điểm này, các HTX, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn huyện Phú Lương đang đẩy mạnh sản xuất để cung ứng ra thị trường những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh.
Hiện nay, sản lượng chè búp tươi của huyện Phú Lương đạt trên 45.200 tấn/năm. Trong ảnh: Người dân xã Tức Tranh thu hái chè. |
Đến vùng chè Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương) những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ không khí lao động khẩn trương của người dân vùng chè. Bà con không chỉ tất bật chăm sóc, thu hái chè vụ giáp Tết Nguyên đán mà còn phải nhanh chóng vận chuyển chè về chế biến ngay để có được chất lượng ngon nhất. Năm nay, sản lượng chè tiêu thụ có phần giảm sút so với năm trước, do đó các HTX, làng nghề chè có xu hướng tích trữ từ sớm và đưa ra các sản phẩm chè mẫu mã đẹp để giữ ổn định thị phần tiêu thụ.
Bà Trương Thị Hoa, thành viên HTX Sản xuất chè an toàn Thái Ninh, xã Tức Tranh, chia sẻ: Gia đình tôi có 1ha chè, phần lớn trồng giống chè trung du và đều sản xuất theo hướng hữu cơ. Do dịp cuối năm, chè luôn bán được giá cao hơn, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nên hiện gia đình tôi đang tập trung chăm sóc, bổ sung đủ nước, chế phẩm sinh học để cây chè sinh trưởng và phát triển tốt. Vụ chè đông giáp Tết này, dự kiến gia đình tôi sẽ bán ra thị trường khoảng 5 tạ chè búp khô. Với giá bán khoảng 400-500 nghìn đồng/kg, tôi có thể thu về trên 100 triệu đồng sau khi trừ các chi phí.
Chế biến chè tại HTX Nông sản Phú Lương. |
Còn với HTX Chè an toàn Khe Cốc, vùng chè nguyên liệu của HTX có khoảng 80ha, 100% diện tích được chứng nhận VietGAP, trong đó có 20ha được chứng nhận hữu cơ. Chuẩn bị cho vụ Tết này, HTX tuân thủ nghiêm ngặt các quy định sản xuất chè theo hướng hữu cơ, phục vụ chủ yếu cho phân khúc trà cao cấp (đinh, tôm nõn) có giá bán từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/kg. Cùng với đó, HTX cũng chuẩn bị khoảng 12.000 bao bì, hộp đựng trà.
Ông Tô Văn Khiêm, Giám đốc HTX Chè an toàn Khe Cốc, cho biết: Ngay từ thời điểm tháng 10 đã có trên 20 đơn vị đã ký hợp đồng mua các sản phẩm phân khúc cao cấp làm quà biếu trong dịp Tết Nguyên đán với khối lượng khoảng trên 2 tấn. Mặc dù sản lượng chè vụ này giảm nhiều (bằng khoảng 60% so với vụ trước đó), tuy nhiên, chất lượng chè được đảm bảo, nên về cơ bản các thành viên HTX sẽ vẫn bảo đảm thu nhập.
Tìm hiểu thêm tại nhiều HTX, cơ sở sản xuất khác trong huyện, chúng tôi thấy các đơn vị đều tập trung đẩy mạnh sản xuất dòng sản phẩm trà cao cấp để làm quà tặng dịp Tết. Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Thương mại dịch vụ Phú Nam 1, xã Phú Đô, cho biết: Tháng 12 hàng năm luôn là thời điểm bận rộn nhất đối với người làm chè. Để có được những búp chè ngon, hình thức đẹp cần công sức rất lớn của các thành viên HTX trong từng khâu sản xuất, chế biến. Vụ chè Tết này, HTX phấn đấu cung ứng ra thị trường gần 2 tấn chè các loại.
Đóng gói sản phẩm trà tại HTX Sản xuất chè an toàn Thái Ninh, xã Tức Tranh (Phú Lương). |
Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Lương có 44 làng nghề, làng nghề truyền thống, 25 HTX, 26 tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè. Một số HTX đã từng bước khẳng định được thương hiệu, như: HTX Chè Khe Cốc, xã Tức Tranh; HTX Chè an toàn Hoan Xuyến, xã Vô Tranh; HTX Nông nghiệp - Thương mại dịch vụ Phú Nam 1, xã Phú Đô…
Từ thực tế có thể thấy, với sự nỗ lực, chủ động trong sản xuất, các làng nghề, HTX, tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè trên địa bàn huyện Phú Lương không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn đưa những sản phẩm chất lượng cao ra thị trường, góp phần quảng bá thương hiệu chè Thái Nguyên...
Sản lượng chè búp tươi của huyện Phú Lương trong 3 năm qua đạt bình quân trên 45.200 tấn/năm; giá trị sản xuất chè ước đạt trên 1.265 tỷ đồng/năm; doanh thu bình quân đạt 320 triệu đồng/ha/năm. Toàn huyện có 111 sản phẩm được dán tem QR; trên 10 sản phẩm trà được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin