Những năm gần đây, cùng với thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng đầu tư xây mới và cải tạo cơ sở hạ tầng nhiều chợ nông thôn. Ngoài ra, một số địa phương còn tổ chức chuyển đổi lại mô hình quản lý để xây dựng các chợ khang trang, sạch đẹp, góp phần đẩy mạnh giao thương, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân.
Chợ xã Liên Minh (Võ Nhai) được đầu tư xây dựng mới với kinh phí gần 5 tỷ đồng. |
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều tiểu thương và bà con nhân dân xã Quy Kỳ (Định Hóa) phấn khởi vì Dự án đầu tư nâng cấp chợ của xã hoàn thành đưa vào sử dụng. Cùng với sửa chữa lại nhà đình chợ, huyện Định Hóa đầu tư xây mới nhà trưng bày nông sản, mặt hàng đặc trưng của xã cùng 4 gian ki ốt bán hàng cho các tiểu thương.
Ngoài ra, nhiều hạng mục khác cũng được đầu tư như: nhà vệ sinh, hàng rào, rãnh thoát nước, sân bê tông, đường nội bộ, bồn hoa, bãi để xe… tạo sự đồng bộ cho cả công trình.
Ngoài xã Quy Kỳ, 2 năm qua, UBND huyện Định Hóa đã quyết định đầu tư sửa chữa, nâng cấp chợ các xã Tân Thịnh, Bảo Linh, Lam Vỹ với tổng mức đầu tư trung bình khoảng 2,5 tỷ đồng/công trình. Đặc biệt, cuối năm 2023, UBND huyện quyết định đầu tư xây dựng mới chợ Bình Thành với tổng dự toán gần 8 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Định Hóa, khẳng định: Việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới các chợ cấp xã không chỉ đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mà còn là tiêu chí để các xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Không riêng huyện Định Hóa, những năm qua, các địa phương trong tỉnh cũng huy động nhiều nguồn lực để đầu tư nâng cấp, xây dựng các chợ, đáp ứng nhu cầu dân sinh. Đơn cử như xã Liên Minh (Võ Nhai) cũng vừa nhận bàn giao công trình chợ với tổng mức đầu tư gần 5 tỷ đồng, tổng diện tích trên 4.000m2.
“Trước đây không có chợ, các sản phẩm của bà con làm ra phải mang sang chợ xã Tràng Xá và các xã lân cận bán. Nhiều hộ bày bán hàng ngay bên hành lang đường gây mất an toàn giao thông. Giờ đây nuôi được con gà, trồng được rau, gia đình tôi mang ra chợ bán. Đặc biệt, sản phẩm từ chè - cây chủ lực của xã được thương lái đến thu mua ngay tại địa phương mà không phải mang đi nơi khác bán, vừa vất vả lại bị ép giá” - bà Nguyễn Thị Mạnh, ở xóm Vang, phấn khởi nói với chúng tôi.
Hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh được đầu tư nhiều năm qua về cơ bản đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân. Tuy nhiên, qua rà soát, kiểm tra, một số chợ vẫn còn tồn tại về hệ thống điện, cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường, thiết bị phòng cháy, chữa cháy..., chưa đảm quy định, ảnh hưởng đến việc kinh doanh, mua, bán của người dân.
Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát việc đầu tư nâng cấp chợ Quy Kỳ (Định Hóa). |
Để khắc phục tình trạng trên, bám sát Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Chương trình phát triển thương mại tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch các chợ truyền thống, chỉ xây dựng các chợ khi có nhu cầu thực sự của nhân dân.
Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác, quản lý chợ đang hoạt động; đặc biệt là quan tâm ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các chợ tại những vùng khó khăn…
Giai đoạn 2021-2025, Thái Nguyên phấn đấu đầu tư xây mới và nâng cấp, cải tạo 3 chợ trên địa bàn, đảm bảo mục tiêu Chương trình quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Cùng với đó, tỉnh thu hút đầu tư, đầu tư xây dựng 1 Trung tâm Hội chợ triển lãm mang tính liên kết vùng tại TP. Thái Nguyên; 2 chợ đầu mối tại xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên) và xã Điềm Thụy (Phú Bình).
Kết quả sau 2 năm thực hiện, toàn tỉnh đã đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 7 chợ: Bảo Linh, Lam Vỹ, Quy Kỳ (Định Hóa); Cúc Đường, Liên Minh (Võ Nhai); Phú Thịnh và Phúc Lương (Đại Từ).
Về thu hút đầu tư, chợ đầu mối Điềm Thụy đang được thẩm định nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, ranh giới đất đã được xác định trong quy hoạch sử dụng đất huyện Phú Bình là 19ha (trong đó, kỳ 2021-2030 là 9,24 ha). Chợ đầu mối tại xã Linh Sơn đã được UBND TP. Thái Nguyên rà soát, đưa vào dự thảo quy hoạch là 1,43ha. Hiện nay, các địa phương đang hoàn thiện việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng để thu hút đầu tư nhằm đảm bảo mục tiêu đề ra.
Toàn tỉnh hiện có 140 chợ, trong đó có 4 chợ hạng 1, 10 chợ hạng 2 và 126 chợ hạng 3, có hơn 11.800 hộ kinh doanh hoạt động thường xuyên. Ngoài hệ thống chợ, toàn tỉnh có 23 trung tâm thương mại, siêu thị và hàng nghìn cửa hàng tiện ích, bán lẻ…
Việc đầu tư, nâng cấp các chợ đã góp phần đẩy mạnh sản xuất, phát triển dịch vụ, lưu thông hàng hóa, phục vụ đời sống của nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Để phát huy hiệu quả hoạt động của các chợ, UBND cấp huyện, xã cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các điểm bán hàng tự phát, chợ cóc, đảm bảo an ninh trật tự và phòng, chống cháy nổ. Đồng thời thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, xây dựng chợ văn minh thương mại, chợ 4.0.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin