Dòng tiền đầu tư lên mức cao nhất trong gần hai tháng qua  

Theo Báo tin tức 08:49, 22/03/2024

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, lực mua áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu trong ngày hôm qua (21/3). Chốt ngày, chỉ số MXV-Index của 3 trên 4 nhóm mặt hàng đều tăng kéo chỉ số MXV-Index thêm 0,3% lên 2.221 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng mạnh 26% đạt mức gần 9.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu tháng 2 đến nay. 

 

Giá cà phê Robusta trở lại vùng đỉnh 30 năm

Theo MXV, kết thúc phiên giao dịch 21/3, có 7 trên 9 mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp tăng giá. Trong đó, ca cao và cà phê là hai mặt hàng có mức tăng mạnh nhất, hơn 2%. 

Trên thị trường cà phê, giá Arabica đảo chiều hồi phục 1,81% so với mức tham chiếu; giá Robusta lấy lại 2,11%, tiến lên vùng đỉnh 30 năm. Đồng USD suy yếu kết hợp cùng rủi ro thiếu hụt nguồn cung đã thúc đẩy giá Robusta thiết lập mức đỉnh mới trong 30 năm.
 

 

Thời tiết khô nóng tại vùng gieo trồng cà phê chính của Việt Nam chưa có dấu hiệu dịu lại. Điều này thúc đẩy tâm lý tiêu cực về triển vọng nguồn cung vụ mới tại quốc gia xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới. 

Bên cạnh đó, việc đồng USD yếu đi sau cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khiến tỷ giá USD/VND thu hẹp và nông dân Việt Nam hạn chế bán cà phê. Điều này khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường trở nên trầm trọng hơn. 

Giá Arabica cũng biến động mạnh bởi sự thay đổi của đồng USD. Khi mới mở cửa, giá cà phê đã tạo trước bối cảnh FED)giữ nguyên mức lãi suất 5,25-5,5% trong kỳ họp tháng 3 và tuyên bố sẽ có 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Sang đầu phiên tối, đà tăng của giá Arabica có nhịp điều chỉnh khi đồng USD hồi phục, kéo theo tỷ giá USD/BRL tăng. Chênh lệch tỷ giá nới lỏng giúp kích thích nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil. 

Ở diễn biến khác trên bảng giá nguyên liệu công nghiệp, giá đường 11 tăng thêm 1,33% trước những tín hiệu kém khả quan về triển vọng mùa vụ tại Brazil. Theo đó, lượng mưa dưới mức trung bình sẽ trải dài khắp khu vực Trung Nam Brazil, vùng trồng đường trọng điểm của nước này trong tuần tới. Thời tiết bất lợi sẽ là lực cản đối với khả năng hồi phục năng suất cây trồng và khiến nguồn cung đường thắt chặt hơn trong thời gian tới.

Giá bông nhích nhẹ 0,04% khi thị trường phản ứng với doanh số bán bông tích cực tại Mỹ. Trong báo cáo xuất khẩu tuần kết thúc ngày 14/3, Mỹ đã bán  92.600 kiện bông, tăng lần lượt 8% và 20% so với tuần trước và trung bình 4 tuần. Đồng thời, quốc gia này đã xuất đi 397.300 kiện bông, mức cao nhất trong niên vụ 23/24. Điều này phản ánh nhu cầu về bông Mỹ trên thị trường quốc tế ngày càng được cải thiện.

Dù vậy, chỉ số Dollar Index mạnh lên trong phiên tối đã kìm hãm lực tăng của giá. Đồng USD tăng 0,60% khiến giá bông Mỹ đắt đỏ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chi phí cao hơn sẽ hạn chế lực mua trên thị trường.

Ngược lại, giá dầu cọ suy yếu 0,51% trước tình hình cung tại Malaysia. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất dầu cọ ở Bán đảo Nam (SPPOMA), sản lượng tại nước này trong 20 ngày đầu tháng 3 tăng 22,4% so với cùng kỳ tháng trước.

Lực mua chiếm ưu thế trên thị trường kim loại

Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, thị trường kim loại ghi nhận biến động trái trái chiều, song lực mua vẫn chiếm ưu thế. Đối với nhóm kim loại quý, trong khi giá bạc giảm 0,39% xuống 25 USD/ounce, chịu sức ép chủ yếu từ biến động vĩ mô thì bạch kim lại tăng 1,51% lên 913 USD/ounce trước tác động cung cầu.

Ngày hôm qua, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) chính thức tuyên bố cắt giảm lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản xuống 1,50%, một động thái bất ngờ khiến SNB trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên xoay trục chính sách từ thắt chặt sang nới lỏng. Đồng franc Thuỵ Sỹ giảm giá trước động thái này, đã củng cố cho sức mạnh của đồng USD và kéo chỉ số Dollar Index tăng mạnh 0,6%. Bạc vốn là kim loại quý nhạy cảm hơn với biến động tiền tệ so với bạch kim, đã chịu sức ép rõ rệt do chi phí nắm giữ đắt đỏ hơn.

 

Ngoài ra, một số dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ cũng củng cố cho đà tăng của đồng USD, từ đó thúc đẩy lực bán đối với bạc. Trong tuần kết thúc vào ngày 16/3, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ đạt 210.000 đơn, thấp hơn 2.000 đơn so với dự báo. Ngoài ra, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất sơ bộ tháng 3 của Mỹ đạt 52,5 điểm, cao hơn 0,7 điểm so với dự báo và là mức cao nhất kể từ tháng 6/2022.

Trái lại, giá bạch kim bật tăng mạnh mẽ trước lo ngại gián đoạn nguồn cung. Tiếp nối hàng loạt các công ty khai thác kim loại nhóm bạch kim (PGM) ở Nam Phi bao gồm Sibanye Stillwater và Anglo American Platinum, công ty khai thác Zimplats của Impala Platinum hôm thứ Tư cũng cho biết họ đang đưa ra kế hoạch cắt giảm việc làm nhằm bảo vệ doanh nghiệp khỏi tác động của giá PGM giảm mạnh. Điều này sẽ hạn chế sản lượng bạch kim trong tương lai,

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX biến động giằng co, kết phiên chỉ nhích nhẹ 0,17% giá trị lên 4,05 USD/pound. Một phần, đồng COMEX cũng chịu sức ép từ đà tăng giá của đồng USD, nhưng những rủi ro thiếu hụt nguồn cung do biên lợi nhuận thấp từ các nhà máy tinh chế hạn chế sản lượng, đã hỗ trợ cho giá. Quặng sắt tăng mạnh 3,71% lên mức 108,72 USD/tấn.