Bài toán phát triển kinh tế chưa bao giờ là dễ dàng, kể cả với những vùng tương đối thuận lợi. Ở huyện vùng cao Võ Nhai, phần lớn diện tích là núi non hiểm trở và đất rừng đặc dụng, ngước mắt là núi, nhìn xuống là thung sâu, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, thì bài toán phát triển kinh tế càng “khó giải”… Nhưng chúng tôi đã nhìn thấy sức mạnh tiềm tàng trong mỗi người dân nơi đây. Họ không chịu khuất phục trước khó khăn, từng ngày vươn lên trên núi đá.
Cây na và rừng trồng phủ xanh núi đá ở xã Lâu Thượng (Võ Nhai). |
Đối diện khó khăn
Trên bàn trà, nhiều câu hỏi chúng tôi đặt ra với anh Ma Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Nung (Võ Nhai), khiến anh khó trả lời bởi “lực bất tòng tâm”. Toàn xã có hơn 3.600ha đất tự nhiên nhưng đất rừng đặc dụng chiếm hơn 80% diện tích, 520 hộ dân trong xã sống dựa vào hơn 200ha đất canh tác. Chỉ tính đến sản xuất lương thực để đảm bảo cho hơn 2.780 nhân khẩu đã là cả một vấn đề không đơn giản. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở đây thật quá gian nan, xã vẫn còn 3 xóm người dân tộc Mông có tỷ lệ hộ nghèo tới 90%.
Đối với người nông dân ở bất kỳ nơi đâu, để phát triển kinh tế thì yếu tố tiên quyết là phải có tư liệu sản xuất. Nhưng Thượng Nung và nhiều xã khác của huyện vùng cao Võ Nhai lại rơi vào thực trạng thiếu đất sản xuất. Chưa kể đến các yếu tố khác cũng thiếu, như: nguồn lao động có trình độ, vốn sản xuất, nguồn nước tưới, phần lớn diện tích đất canh tác hoàn toàn phụ thuộc nước trời…
Anh Hoàng Văn Lý, xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường, cho biết: Cả gia đình tôi trông vào 2-3 sào ngô, không có đất cấy lúa nên phần lớn thời gian trong năm tôi phải đi làm thuê ở các xóm, xã lân cận để có thêm thu nhập.
Còn anh Nguyễn Văn Chương, xóm Lục Thành, xã Thượng Nung, than thở: Nhà tôi trồng hơn trăm gốc buổi Diễn trên sườn núi đá, mất rất nhiều công chăm sóc, thu hái, nhưng tư thương vào chỉ trả 2-3 nghìn một quả… Nhưng tôi không bỏ cuộc mà tiếp tục đàu tư trồng trọt, chăn nuôi để thoát cảnh đói nghèo.
Người có sức khỏe thì không có đất; sản xuất ra nông sản lại khó tiêu thụ do đường sá đi lại không thuận lợi, tư thương có vào mua ép giá… Nhưng, trong câu chuyện với người nông dân xã vùng cao Võ Nhai, tôi cảm nhận họ không cam chịu, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, vẫn tiếp tục bám bản, bám làng khắc phục khó khăn để vươn lên.
Cây na "leo" lên đỉnh núi đá ở các xóm của xã Phú Thượng (Võ Nhai), góp phần giảm nghèo cho người dân nơi đây. Ảnh: Hoàng Hưng |
Nhìn “cây” đã thấy “rừng”
Rời các xã phía Bắc của huyện, chúng tôi ngồi trên chiếc ô tô đời mới của anh Hoàng Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tràng Xá, bắt đầu hành trình khám phám miền Đông Bo (gồm các xóm Chòi Hồng, Là Bo, Mỏ Đinh, Hợp Nhất…) của xã Tràng Xá. Con đường bê tông như dải lụa vắt ngang những sườn đồi, núi, băng qua những cánh rừng keo, bạch đàn, những vườn cây ăn quả, nương chè đang vươn mình, trổ búp đón nắng Xuân. Miền Đông Bo đẹp như một bức tranh.
Dừng chân ở gia đình bà Dương Thị Dê, xóm Chòi Hồng, nơi có 100% số hộ là đồng bào dân tộc Mông, tôi hỏi đi hỏi lại anh Trường: Đây là xóm đặc biệt khó khăn thật sao? Bởi những gì nhìn thấy khiến tôi nghi ngờ ngay cả điều chính tai mình nghe thấy. Anh Trường lý giải: Giờ đời sống của người dân miền Đông Bo đã khá hơn trước rất nhiều, do biết đầu tư xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Đất đai nơi đây không còn một chỗ nào để trống, người dân chăm chỉ, tận dụng triệt để những gì có thể “biến” thành sản phẩm bán lấy tiền.
Đứng giữa bao la, xanh mát miền Đông Bo, tôi lại nhớ tới những nơi mình đã từng đặt chân tới như Lũng Cà, Lũng Luông (Thượng Nung); Cao Lầm, Mỏ Gà (Phú Thượng); Phương Bá, Đồng Chuối (Dân Tiến) hay ngay cả những miền xa xôi nhất của huyện Võ Nhai như Khuổi Chao (Sảng Mộc)… đều cho tôi cảm nhận về sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân; sự kiên cường đối mặt và tìm giải pháp khắc phục những khó khăn riêng có ở vùng cao của cán bộ, đảng viên các địa phương.
Người dân vùng cao sống trên đá, vươn lên trên đá, cùng với sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã từng bước thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu. Năm 2023, Võ Nhai đã giảm được 3,66% số hộ nghèo, đạt chỉ tiêu đề ra; 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 98% số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; nhiều tuyến đường hiểm trở đã được mở rộng đổ bê tông. Toàn huyện đã có 4/14 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, 2 xã được công nhân nông thôn mới nâng cao...
Gia đình bà Đặng Thị Loan (ở xóm Thắng Lợi, xã Tràng Xá, Võ Nhai) có kinh tế khá giả nhờ rồng rừng, cây ăn quả. |
Trao cơ hội, hướng tương lai
Tich cực thay đổi cơ cấy cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế nhưng vẫn giữ gìn, bảo tồn những loại cây trồng mang “thương hiệu” của Võ Nhai, như: gạo Bao thai Phương Bá, đỗ tương Bình Long, na La Hiên... Trong đó chú trọng sản xuất theo hướng hàng hóa, tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, “chắp cánh” cho các sản phẩm nông sản chủ lực bay xa bằng cách xây dựng thương hiệu là một trong những giải pháp đang được huyện triển khai bước đầu có hiệu quả.
Trên những sườn đồi, lưng núi, cây na, bưởi Diễn, nhãn lồng, cây quế… đã được đưa vào trồng thử nghiệm và đại trà. Trong kế hoạch, cây mơ núi đá sẽ được đưa vào trồng thử nghiệm ở xã Thượng Nung với diện tích hơn 20ha. Dưới đồng ruộng những giống lúa đặc sản cho năng suất, chất lượng cao, như: TH3-7, TH3-5, B-TE1, JO2, JO1, Đài thơm 8… được đưa vào gieo cấy thay thế các giống lúa cũ; các giống cây trồng mới như dưa bao tử, ngô ngọt, ớt đỏ… được đưa vào trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Ở những xã ít diện tích đất canh tác, huyện định hướng cho đồng bào đầu tư chăn trâu, bò; chăn nuôi gia cầm, lợn theo hướng gia trại, trang trại…
Nhờ đó, đến nay, toàn huyện đã có gần 1.700ha cây ăn quả, trong đó 100ha bưởi, 115ha na, 20ha ổi, 10ha thanh long, 20ha cam… được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; hơn 1.300ha chè, trong đó có 265ha đạt tiêu chuẩn VietGAP; hơn 4.800ha đất cấy lúa 2 vụ, cho sản lượng đạt gần 27.000tấn/năm; giá trị trên 1ha đất canh tác đạt hơn 104 triệu đồng/năm; toàn huyện có gần 50 trang trại chăn nuôi tập trung…
Dẫu còn đó nhiều khó khăn, nhưng những gì nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận, chúng tôi tin vùng cao Võ Nhai đã, đang chuyển mình tích cực, dần lấp đầy khoảng cách về đời sống kinh tế - xã hội với những địa phương khác trong tỉnh. Huyện phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 1.167,8 triệu đồng, tăng bình quân hằng năm 5,5%.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin