Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật khiến cho vị thế của người công nhân thay đổi nhất định. Bằng sự nhanh nhạy và sáng tạo, họ không đơn thuần là người làm thuê lấy lương mà còn tham gia nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật làm lợi cho doanh nghiệp (DN); tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, làm chủ công nghệ và khẳng định bản thân trong công việc.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Công nghệ Win Billion Việt Nam (Khu công nghiệp Sông Công II). |
Hằng năm, người lao động làm việc trong các DN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có hàng nghìn sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi về kinh tế số tiền không nhỏ. Chỉ tính riêng hưởng ứng Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” và Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”, cán bộ, đoàn viên, người lao động tỉnh Thái Nguyên đã có trên 19 nghìn sáng kiến. Những sáng kiến từ thực tế sản xuất có tính ứng dụng cao, giúp tiết kiệm nhân công, nguyên vật liệu và tối ưu hóa công năng máy móc, thiết bị.
Anh Vũ Văn Khiêm, cán bộ quản lý sản xuất tại Công ty TNHH Samju Vina Thái Nguyên là một ví dụ tiêu biểu. Dù không được đào tạo chuyên sâu, nhưng với sự đam mê và tâm huyết, anh đã có tổng cộng 30 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi về kinh tế khoảng 13 tỷ đồng sau 10 năm làm việc cho DN này. “Bí quyết của tôi là tinh thần trách nhiệm và ham học hỏi. Chú ý quan sát và tìm hiểu quá trình vận hành hệ thống máy móc sẽ phát hiện những điểm hạn chế, bất cập, từ đó nghiên cứu giải pháp khắc phục” - anh Khiêm chia sẻ. Những đóng góp lớn cho công ty của anh được đền đáp xứng đáng. Khởi đầu từ vị trí công nhân chạy máy, rồi trợ lý, tổ trưởng, hiện anh được bổ nhiệm là cán bộ quản lý sản xuất, trực tiếp quản lý gần 200 nhân công.
Với những yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng, các DN đã chú trọng đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao về tay nghề, năng lực và tác phong làm việc đối với người lao động; việc học tập, tự “nâng cấp” bản thân phải thực hiện thường xuyên. Là người ham học hỏi và luôn nỗ lực vươn lên, sau khi làm việc tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên một thời gian, chị Hoàng Thị Loan, ở xã Phấn Mễ (Phú Lương) đã đăng ký học chương trình cao đẳng nội bộ do DN tổ chức. Sau hơn 2 năm, chị có bằng chuyên ngành tiếng Hàn Quốc và được chuyển vị trí làm việc từ xưởng sang văn phòng. Chị Loan nói: Vị trí mới giúp tôi có thu nhập và môi trường làm việc tốt, quan trọng là nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc hơn.
Nhân viên Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) tham gia chương trình đào tạo nội bộ. |
Để tạo điều kiện cho công nhân lao động học tập và nâng cao trình độ, kỹ năng, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các DN đến năm 2030”. Mục tiêu là hỗ trợ, tạo điều kiện để công nhân tại các DN học tập nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc, tiếp cận hệ thống giáo dục mở, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, không ít người lao động, nhất là lao động phổ thông lo lắng có thể mất việc làm, bị thay thế bằng robot tự động và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, nhìn nhận theo hướng tích cực thì đây là cơ hội để người lao động nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, hiện đại. Để có thể thích ứng, bên cạnh các chương trình hỗ trợ của các cấp, ngành thì bản thân mỗi người cần chủ động học tập, nâng cao tay nghề và tác phong làm việc để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu việc làm cả hiện tại và sau này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin