Bằng tâm huyết và tinh thần vượt khó, Dự án Nước rửa chén hữu cơ Bio-clean “An toàn cho trẻ, an tâm cho mẹ” của nhóm sinh viên Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) đã đạt giải Nhì trong cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo Trường Đại học Nông Lâm lần thứ VI, năm 2022. Sau 2 năm triển khai, đến tháng 3/2024, Dự án chính thức được nghiệm thu, tiến tới giai đoạn đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm và bước đầu nhận về phản hồi tích cực từ phía khách hàng.
Nước rửa chén hữu cơ Bio-clean được trưng bày tại Hội chợ do TP. Phổ Yên tổ chức. |
Trăn trở trước tình trạng bản thân và gia đình bị kích ứng da tay khi sử dụng hóa chất tẩy rửa công nghiệp, các thành viên của Dự án Nước rửa chén hữu cơ mong muốn giới thiệu đến thị trường một sản phẩm vệ sinh lành tính, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Dưới sự hướng dẫn, cố vấn của Ths. giảng viên Nguyễn Đức Tuân và cán bộ Phòng Đào tạo Nguyễn Thị Bích Hồng, nhóm 4 sinh viên chuyên ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (CNSH – CNTP), Trường Đại học Nông Lâm gồm: Đặng Thị Yến, Ngô Thị Hạnh, Đào Văn Công, Đào Quang Khải, đã xây dựng ý tưởng sản xuất nước rửa chén hữu cơ từ nguyên liệu thiên nhiên.
Vừa duy trì chương trình học trên lớp vừa tham gia nghiên cứu khoa học, để đảm bảo tiến độ Dự án, các thành viên trong nhóm thường xuyên miệt mài nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của trường đến khuya. Tiết kiệm chi phí cho công tác thực nghiệm, sau giờ học, các bạn sinh viên trực tiếp đi thu gom, tận dụng một số phế phụ phẩm thiên nhiên tại các cửa hàng thực phẩm. Áp dụng phương pháp eco enzyme, nước rửa chén hữu cơ Bio-clean được nhóm sản xuất bằng cách lên men các nguyên liệu trong tự nhiên như: bồ hòn, vỏ bưởi, vỏ cam, vỏ dứa, cây sả, bồ đề… Quy trình sản xuất trải qua 7 bước với thời gian ủ lên men trong 3 tháng để thu được thành phẩm cuối cùng. Quá trình lên men hình thành nên enzyme garbage có tác dụng tẩy rửa, tiêu diệt và ngăn ngừa các loại côn trùng, loại bỏ các vi sinh vật và nấm gây bệnh ở cây trồng.
Tiếp nhận vai trò chủ nhiệm Dự án ở giai đoạn sản xuất từ tháng 1/2023, bạn Nguyễn Thị Mai, sinh viên năm 2, Viện CNSH – CNTP, Trường Đại học Nông Lâm, chia sẻ: Những lần đầu thử nghiệm, do tỷ lệ phối trộn nguyên liệu chưa hợp lý nên mặc dù mang lại hiệu quả tẩy rửa cao nhưng sản phẩm có mùi chua gắt khó chịu. Không nản lòng, nhóm dự án liên tục nghiên cứu tối ưu hóa thành phần, mùi hương, khả năng tạo bọt và làm sạch của sản phẩm để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Sau nhiều lần thử nghiệm, công thức sản xuất kết hợp enzyme với tinh dầu sả, chanh được hoàn thiện đem đến mùi hương tự nhiên dễ chịu cũng như gia tăng tác dụng diệt khuẩn cho sản phẩm.
Nhờ nỗ lực nghiên cứu, năm 2023 nhóm dự án sản xuất thành công lô nước rửa chén đầu tiên có số lượng 1.000 chai với giá bán 50.000 đồng/chai 500ml. Khi mới ra mắt, sản phẩm gặp thách thức trong việc tiếp cận khách hàng tiềm năng. Phần lớn người tiêu dùng chưa làm quen với nước tẩy rửa hữu cơ nên không dễ tin tưởng khả năng làm sạch và độ an toàn của sản phẩm. Bên cạnh đó, mặc dù có giá bán thấp hơn khoảng 30% so với các thương hiệu nước rửa chén hữu cơ trên thị trường, nhưng sản phẩm vẫn có giá bán cao hơn hầu hết nước rửa chén công nghiệp hiện nay.
Nguyên liệu sản xuất nước rửa chén hữu cơ Bio-clean. |
Để khắc phục những hạn chế đó, nhóm dự án đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho sản phẩm. Đồng thời tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, trưng bày tại triển lãm, hội chợ kết nối cung cầu, điển hình như hoạt động giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ nhân dịp Lễ công bố quyết định thành lập TP. Phổ Yên. Hiện, sản phẩm đang được bày bán tại cửa hàng Giới thiệu sản phẩm của Viện CNSH – CNTP, Trường Đại học Nông Lâm và đăng bán trên Fanpage Facebook, gian hàng Shopee. Thời gian tới, nhóm dự án tiếp tục triển khai các chiến dịch quảng cáo trực tuyến để từng bước khẳng định giá trị và chỗ đứng của sản phẩm trên thị trường.
Nhằm đảm bảo đầu ra cho Nước chén hữu cơ Bio-clean, các thành viên thuộc Dự án chủ động tìm đến những đơn vị chuyên phân phối các mặt hàng hữu cơ. Trong đó, Hợp tác xã T&T Thái Nguyên đang là đơn vị thu mua chính với tỷ lệ khoảng 85% số lượng sản phẩm. Đối tượng tiêu thụ chủ yếu là các hộ gia đình và quán ăn trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, hơn 800 sản phẩm được bán ra và nhận về sự đánh giá tích cực từ phía khách hàng. Vốn là người có da tay nhạy cảm, chị Ôn Thị Tú Uyên, tổ 6, phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Sau 2 tháng sử dụng, tôi cảm thấy Nước rửa chén Bio-clean khá dịu nhẹ, tuy sản phẩm không tạo nhiều bọt nhưng vẫn có khả năng rửa sạch vết bẩn và dầu mỡ của bát đĩa. Hơn nữa, loại nước rửa chén này không làm khô da tay nên tôi yên tâm sử dụng lâu dài.
Trực tiếp hướng dẫn đề tài, Ths. Nguyễn Đức Tuân, giảng viên Viện CNSH – CNTP, Trường Đại học Nông Lâm, đánh giá cao tiềm năng phát triển của Dự án Nước chén hữu cơ Bio-clean trong tương lai. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn cho sức khỏe con người và thân thiện với môi trường, phù hợp sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là đối với những gia đình có trẻ nhỏ. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, Dự án còn thúc đẩy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp trong sinh viên và góp phần bảo vệ môi trường gắn với phát triển đa dạng hóa các sản phẩm hữu cơ của tỉnh Thái Nguyên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin