Nữ giám đốc và khát vọng đưa thương hiệu chè vươn xa

Trịnh Phương 07:53, 29/05/2024

Với mong muốn tạo ra những sản phẩm chè chất lượng và an toàn, chị Phạm Thị Thơm (Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè sạch Tuyết Thơm, ở xóm Lầy 5, xã Minh Đức, TP. Phổ Yên) không ngừng đổi mới quy trình, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Bằng tình yêu đối với cây chè, cùng sự mạnh dạn, ham học hỏi, chị đã từng bước đưa HTX hoạt động hiệu quả, các sản phẩm chè được thị trường đón nhận.

Chị Phạm Thị Thơm (bên trái) giới thiệu những ưu điểm của búp chè khi được sản xuất theo hướng hữu cơ.
Chị Phạm Thị Thơm (bên trái) giới thiệu những ưu điểm của búp chè khi được sản xuất theo hướng hữu cơ.

Dẫn chúng tôi đi thăm vùng nguyên liệu của HTX, chị Thơm chia sẻ: Gắn bó với cây chè từ khi mới 13 tuổi, tôi hiểu vì sản xuất còn tự phát và nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao, sản phẩm chè chưa được nhiều người biết đến. Với mong muốn đưa thương hiệu chè Minh Đức vươn xa, tháng 5-2024, tôi thành lập HTX chè sạch Tuyết Thơm trên cơ sở Tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè VietGAP xóm Lầy 5, xã Minh Đức, với 7 thành viên tham gia. 

Chị Thơm cho rằng, dù thời gian cách ly có đảm bảo, song lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên cây chè chưa thể hết ngay trong ngày một, ngày hai. Vì vậy, trên cơ sở quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chị đã chuyển sang hướng hữu cơ, nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn nhất, thân thiện với môi trường.

Để kiểm soát nguyên liệu đầu vào, HTX đã liên kết với 23 hộ dân ở xóm Lầy 5, Lầy 6 của xã Minh Đức sản xuất với diện tích 8,6ha. Các hộ liên kết phải có diện tích chè đủ từ 5 năm trở lên, cam kết thực hiện sản xuất đúng quy trình theo hướng hữu cơ và chịu sự kiểm tra, giám sát của HTX, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với HTX...

Trước đó, từ kinh nghiệm thực tế kết hợp với tìm hiểu thông tin trên sách, báo và mạng Internet, chị Thơm đã sử dụng cám gạo, ớt, tỏi, hành tây, thuốc lào ủ với men vi sinh để tạo ra chế phẩm sinh học, phục vụ việc chăm bón, phòng chống sâu bệnh cho cây chè. Tất cả các nguyên liệu trên, được ngâm ủ trong khoảng thời gian từ 10-15 ngày và dùng que gỗ khuấy đều mỗi ngày. Ở từng giai đoạn chăm sóc chè, các chế phẩm được sử dụng với các thành phần, liều lượng phù hợp, đảm bảo mang lại hiệu quả.

Sau thời gian thử nghiệm trên diện tích chè của gia đình, chị thấy cây chè có khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt, khỏe, mau ra chồi và cho sản lượng cao hơn từ 20-25% so với canh tác truyền thống. Đối với 1ha, chi phí bỏ ra mua nguyên liệu ngâm ủ hơn 2 triệu đồng, song có thể sử dụng để chăm sóc chè trong 3 tháng, nên cũng rất kinh tế. Vì vậy, chị đã phổ biến rộng rãi cho các thành viên và các hộ liên kết trong HTX để thực hiện.

Thời gian đầu, người dân chưa quen với phương thức canh tác này, nên gặp không ít khó khăn, năng suất chè chưa đồng đều. Tuy nhiên, với sự hướng dẫn tận tình, sát sao của chị Thơm và các thành viên trong HTX, bà con đã thay đổi tư duy sản xuất, dần làm quen với quy trình mới.

Mỗi sản phẩm chè trước khi xuất bán ra thị trường đều được Hợp tác xã chè sạch Tuyết Thơm đóng gói theo tiêu chuẩn, với mẫu mã đa dạng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Mỗi sản phẩm chè trước khi xuất bán ra thị trường đều được Hợp tác xã chè sạch Tuyết Thơm đóng gói theo tiêu chuẩn, với mẫu mã đa dạng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ đã giúp hệ sinh thái các đồi chè của HTX có sự thay đổi đáng kể, cây chè sinh trưởng tốt, năng suất và chất lượng được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, chè khi pha có vị thơm, nước xanh và ngọt vị lâu hơn so với trước. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đơn vị cũng đã tích cực đổi mới bao bì, mẫu mã sản phẩm và quảng bá, kết nối tiêu thụ chè trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook...

Với 7 sản phẩm chè, gồm: móc câu; tôm nõn; chè đinh thượng hạng, bình quân mỗi tháng, HTX xuất bán ra thị trường hơn 1 tấn chè thành phẩm, giá bán dao động từ 200 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/kg (cao hơn 100.000 đồng - 300.000 đồng/kg so với trước).

Hiện nay, HTX chè sạch Tuyết Thơm đang tạo việc làm ổn định cho trên 20 lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo trong vùng, với mức thu nhập bình quân đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng. Với những kết quả bước đầu đạt được, ngoài việc tiếp tục nâng cao chất lượng chè hữu cơ, HTX còn chú trọng xây dựng sản phẩm OCOP, nhằm quảng bá thương hiệu, cũng như kết nối tiêu thụ sản phẩm rộng rãi hơn.

Bà Phạm Thị Hường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Đức, thông tin: Rất tâm huyết với cây chè, chị Thơm đã trở thành người tiên phong, đi đầu trong việc sản xuất chè theo hướng hữu cơ tại địa phương. Dù mới thành lập, song HTX chè sạch Tuyết Thơm đã tạo sự liên kết giữa các hộ trồng, chế biến chè trên địa bàn từ khâu sản xuất, tiêu thụ đến quảng bá sản phẩm. Từ đó tăng khả năng tiếp cận thị trường của các sản phẩm chè an toàn với số lượng lớn, đồng thời thực hiện dịch vụ kinh doanh máy móc, thiết bị, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên trong HTX…