Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Thái Nguyên vừa tổ chức đánh giá kết quả thực hiện mô hình "Sản xuất lúa hữu cơ vụ Đông - Xuân năm 2023-2024”. Theo đó, 2 giống lúa trong mô hình gồm: HD11 và HDT10 sản xuất theo hướng hữu cơ cho năng suất đạt từ 63,6-66,2 tạ/ha (tương đương năng suất với giống lúa đối chứng) nhưng chất lượng gạo thành phẩm cao hơn và dễ tiêu thụ.
Người dân tham quan thực tế mô hình lúa hữu cơ tại xóm Trà Viên, xã Đồng Liên (TP. Thái Nguyên). |
Mô hình triển khai từ tháng 12-2023 đến tháng 6-2024, với sự tham gia của 219 hộ dân ở 3 xã: Đồng Liên, Tân Cương và Linh Sơn, quy mô 24ha. Người dân tham gia được hỗ trợ 70% giá giống, vật tư; 100% kinh phí tập huấn, các biện pháp kỹ thuật. Phân bón sử dụng đối với mô hình là phân hữu cơ sinh học Quế Lâm 3 và Quế Lâm 14. Quá trình canh tác, các hộ thực hiện cơ giới hóa và vật tư an toàn, như: Máy cấy cải tiến, máy bay phun dinh dưỡng hữu cơ, thuốc sinh học thảo mộc...
Qua đánh giá, thời gian sinh trưởng của 2 giống lúa trong mô hình dao động từ 130-135 ngày. Lúa có kiểu hình cây thấp, lá đứng, đẻ nhánh khá; tỷ lệ nhiễm sâu bệnh hại thấp, chống đổ tốt. Với những kết quả đạt được, người dân tham gia mô hình mong muốn UBND TP. Thái Nguyên tiếp tục nhân rộng mô hình; triển khai các lớp tập huấn nhằm áp dụng các biện pháp khoa học tiên tiến vào sản xuất, chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang dần canh tác hữu cơ...
Đây là vụ đầu tiên TP. Thái Nguyên triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ tập trung với quy mô lớn. Theo kế hoạch, vụ tiếp theo, TP. Thái Nguyên tiếp tục triển khai mô hình này tại 4 địa phương, gồm: Đồng Liên, Sơn Cẩm, Quang Vinh, Cam Giá, với quy mô 30ha.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin