Ngày 15-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với 32 tỉnh, thành phố, trong đó có Thái Nguyên, về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Báo Công Thương |
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng (VLXD) là những vật liệu thiết yếu để xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Phát triển bền vững ngành xi măng, sắt thép và VLXD là một trong những vấn đề hết sức quan trọng, luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển. Trong đó, sản xuất xi măng đã được đầu tư với tổng công suất đạt 122 triệu tấn/năm, đứng tốp đầu thế giới; sản xuất gạch ốp lát đạt công suất 831 triệu m2/năm; sứ vệ sinh đạt tổng công suất 26 triệu sản phẩm/năm; sản xuất kính đã được đầu tư đạt tổng công suất 5.900 tấn thủy tinh/ngày (tương đương 331 triệu m2 kính/năm), đứng trong nhóm 5 nước có sản lượng lớn nhất Đông Nam Á; vật liệu xây dựng không nung đạt tổng công suất 12 tỷ viên/năm (viên quy tiêu chuẩn).
Còn đối với ngành thép, giai đoạn 2011-2022 có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân đạt 14,25%). Sản lượng thép năm 2022 tăng gấp 5 lần so với năm 2011. Đặc biệt, giai đoạn 2016-2022, ngành thép đạt tốc độ tăng trưởng rất cao với mức bình quân 27,11%/năm.
Những năm gần đây, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước, cùng với việc thị trường bất động sản chưa phục hồi dẫn đến sản xuất xi măng, sắt thép và VLXD suy giảm. Trong đó, xi măng và clanhke tổng sản lượng sản xuất cả năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn, tổng sản lượng tiêu thụ đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% năm 2022; năm 2023, sản xuất thép xây dựng đạt 10,655 triệu tấn (giảm 12,2% so với năm 2022), tiêu thụ đạt 10,905 triệu tấn (giảm 11,2% so với năm 2022). Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung đánh giá, phân tích kỹ lưỡng tình hình sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD thời gian qua; nhận diện các khó khăn, thách thức, như về sản xuất, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, tài chính; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, vai trò, trách nhiệm cụ thể của các cấp, ngành trong giải quyết các điểm nghẽn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, phát triển bền vững ngành xi măng, sắt thép, VLXD.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép, VLXD, như: Chi phí nhiên liệu, nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất, sức ép bảo vệ môi trường, cơ chế, chính sách về thị trường, tình hình tài chính…
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, các dự án hạ tầng. Phát triển ngành VLXD phải bảo đảm hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, tăng cường xuất khẩu; tiếp cận và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý; nâng cao chất lượng sản phẩm; đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm chất lượng cao, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu xây dựng.
Thái Nguyên hiện có 5 nhà máy xi măng, với tổng công suất thiết kế hơn 3,1 triệu tấn. Trong đó, sản xuất và tiêu thụ hằng năm khoảng 2,1 triệu tấn, đạt 67% công suất thiết kế. Sản xuất và kinh doanh thép xây dựng chủ yếu tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, nhưng hiện gặp nhiều khó khăn do biến động của thị trường.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin