Thêm nguồn lực giúp nông dân phát triển kinh tế

Việt Dũng 18:02, 26/06/2024

Thời gian qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) huyện Phú Lương đã trở thành điểm tựa giúp hội viên, nông dân xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, đa dạng ngành nghề và các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn.

Mô hình nuôi gà Tiên Yên của gia đình anh Lã Quang Huy (xóm Đồng Chợ, xã Phủ Lý, Phú Lương) cho thu nhập 130 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi gà Tiên Yên của gia đình anh Lã Quang Huy (xóm Đồng Chợ, xã Phủ Lý, Phú Lương) cho thu nhập 130 triệu đồng/năm.

Đầu năm 2022, gia đình anh Lã Quang Huy (ở xóm Đồng Chợ, xã Phủ Lý, Phú Lương) chuyển từ mô hình nuôi lợn sang giống gà Tiên Yên. Năm 2023, gia đình anh được vay vốn từ Quỹ HTND với số tiền 70 triệu đồng để cải tạo chuồng trại, tăng đàn lên hơn 1.000 con, chăn nuôi theo quy trình VietGAP và hướng hữu cơ nên được thị trường ưa chuộng.

Giá gà trống thiến của gia đình anh xuất bán khoảng 140 nghìn đồng/kg, cao gấp 1,5-2 lần so với các loại gà thông thường. Tính riêng trong năm 2023, gia đình anh xuất bán gần 2.000 con gà trống thiến, đem về lợi nhuận trên 130 triệu đồng. Anh Huy cho biết: Quỹ HTND giúp đỡ gia đình tôi đúng thời điểm rất khó khăn về vốn, lãi suất thấp nên tôi yên tâm mở rộng chăn nuôi, tăng thu nhập.

Từ năm 2020, nông dân xã Phủ Lý lần đầu tiên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi 300 triệu đồng với lãi suất 8,4%/năm từ Quỹ HTNT để chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Đến năm 2023, xã tiếp tục triển khai Dự án vay vốn Quỹ HTND với tổng số tiền hỗ trợ là 750 triệu đồng cho 10 hộ. Từ nguồn vốn này, các hỗ được vay vốn sử dụng để sửa sang chuồng trại, mua giống, phân bón để chăn nuôi gà lông màu.

Tại xã Tức Tranh, nguồn vốn 1 tỷ đồng của Quỹ HTND được ủy thác qua Hội Nông dân xã cho 20 hộ vay để phát triển cây chè theo hướng hữu cơ trong năm 2017. Đến năm 2023 tiếp tục có thêm 12 hộ dân hưởng lợi từ Dự án đầu tư chăm sóc chè hữu cơ. Các hộ sử dụng nguồn vốn này để mua phân bón, chế phẩm sinh học chuyển đổi trồng chè sang hướng hữu cơ; nâng cấp trang thiết bị, máy móc chế biến chè.

Ông Đoàn Văn Viên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tức Tranh, cho biết: Qua gần 7 năm triển khai, hiệu quả kinh tế từ trồng chè theo hướng hữu cơ rất rõ ràng, minh chứng là chè sản xuất theo hướng hữu cơ có giá đạt từ 250-500 nghìn đồng/kg (cao gấp 2 đến 2,5 lần so với canh tác thông thường). Nguồn vốn từ Quỹ HTND đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo tại địa phương. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 0,25%, thu nhập bình quân tăng lên 58 triệu đồng/người/năm.

Nhờ sản xuất chè theo hướng hữu cơ, Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc (xã Tức Tranh, Phú Lương) hiện có 5 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên.
Nhờ sản xuất chè theo hướng hữu cơ, Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc (xã Tức Tranh, Phú Lương) hiện có 5 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên.

Từ năm 2023 đến nay, Quỹ HTND huyện Phú Lương giải ngân nguồn vốn cấp tỉnh cho 40 hộ thuộc 4 dự án cải tạo chăm sóc chè theo hướng hữu cơ tại xã Ôn Lương, Phấn Mễ, Vô Tranh, Phú Đô với tổng số vốn 2,7 tỷ đồng; giải ngân nguồn vốn của Trung ương Hội cho 2 dự án đầu tư chăm sóc chè hữu cơ cho 22 hộ dân tại 2 xã Tức Tranh và Cổ Lũng với số tiền 1,6 tỷ đồng; giải ngân vốn của huyện 364,5 triệu đồng được cấp từ vốn quay vòng và ủng hộ của cán bộ, hội viên nông dân, cán bộ công, chức huyện năm 2023, để thực hiện Dự án chăn nuôi và phát triển ong mật cho 7 hộ tại xã Ôn Lương. Qua đó nâng tổng số vốn trên toàn huyện lên gần 7,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện chương trình thỏa thuận liên ngành với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương, các cấp hội trong toàn huyện đang quản lý 112 tổ tiết kiệm và vay vốn, với tổng dư nợ trên 208 tỷ đồng cho trên 1.800 hộ vay; tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hội viên nông dân vay vốn với tổng dư nợ trên 135 tỷ đồng, có trên 3.500 hộ vay vốn.

Bà Trịnh Ngọc Trà, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Lương, cho biết: Thời gian tới, Hội tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về nguồn kinh phí, phát triển Quỹ HTND bền vững, trở thành “đòn bẩy” hỗ trợ vốn, khoa học - kỹ thuật cho hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh. Các cấp hội trên địa bàn cũng sẽ chủ động khảo sát nhu cầu, xây dựng các mô hình, dự án; tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo nguồn vốn vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích giúp nông dân đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới...