Trong bối cảnh nền kinh tế chung còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Thái Nguyên vẫn cơ bản giữ được đà tăng trưởng, đặc biệt là lĩnh vực thương mại - dịch vụ (tăng bình quân trên 10%/năm). Để có được kết quả này, UBND thành phố đã quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cùng với đó là các chính sách ưu đãi, kích cầu mua sắm, sử dụng dịch vụ của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn được thực hiện khá hiệu quả...
Bên trong Siêu thị Minh Cầu. Ảnh: T.L |
Tính từ đầu năm đến cuối tháng 5-2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn TP. Thái Nguyên đạt 22.500 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Để có được kết quả này, thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể như: Đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn; quyết liệt thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án; chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị; thực hiện đối thoại nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn…
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế TP. Thái Nguyên: Kết quả nổi bật trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ của thành phố thời gian qua là thu hút được nhiều đơn vị, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Tính đến nay, toàn thành phố có gần 2.700 doanh nghiệp đang hoạt động; 7 trung tâm thương mại, hơn 20 siêu thị tổng hợp (tăng khoảng 25% số lượng doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị so với năm 2020)…, với chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng.
Đặc biệt, hiện nay, trên địa bàn thành phố còn chuẩn bị đưa vào sử dụng 2 trung tâm thương mại, 1 chợ lớn, gồm: Phú Quý Thăng Long, với tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng; Tòa tháp đôi Prime, với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng và chợ Gia Sàng, với mức đầu tư gần 100 tỷ đồng, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của lĩnh vực thương mại - dịch vụ.
Riêng ở hoạt động dịch vụ, thành phố cũng đã thu hút đầu tư trên 3.100 cơ sở lưu trú và ăn uống (trong đó có trên 20 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 2-4 sao; trên 40 doanh nghiệp kinh doanh các loại hình vận tải), đáp ứng tốt nhu cầu giao thương sản xuất và phục vụ đời sống của nhân dân.
Cùng với các chính sách thu hút đầu tư, để thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ, TP. Thái Nguyên còn chú trọng đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị. Chỉ tính riêng năm 2023, thành phố đã đầu tư trên 730 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật các dự án, như: Cầu vượt đường sắt Hà Nội – Thái Nguyên; Xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vào Trường THPT Chuyên Thái Nguyên; Cải tạo, sửa chữa vỉa hè đường Thống Nhất; Cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Đình Chiểu…
Ngoài ra, thành phố cũng đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng 9 hạng mục công trình, với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, gồm: Xây dựng đường Bắc Nam và cầu Huống Thượng; Xây dựng đường Huống Thượng - Chùa Hang; Nâng cấp đường khu dân cư Đồng Bẩm; Nâng cấp cầu Đán; Nâng cấp đường Lê Hữu Trác...
Tòa tháp đôi Prime Thái Nguyên chuẩn bị được đưa vào sử dụng, góp phần phát triển thương mại - dịch vụ trên địa bàn TP. Thái Nguyên. |
Cùng với các chính sách ưu đãi, sự quan tâm của TP. Thái Nguyên, về phía các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn cũng triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ.
Chị Trần Thị Duyên, quản lý Siêu thị Minh Cầu, cho biết: Hệ thống Siêu thị Minh Cầu đang bày bán trên 10.000 mặt hàng các loại. Để kích cầu tiêu dùng, hàng tuần, tháng, quý, các dịp lễ, tết, chúng tôi đều có các chính sách ưu đãi khác nhau. Đơn cử như hiện nay, siêu thị đang thực hiện chương trình Freeship vào thứ 3; chiết khấu trực tiếp nhiều mặt hàng khô từ 5-14%...
Chị Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Siêu thị Lan Chi, chia sẻ: Căn cứ vào nhu cầu thực tế, Siêu thị Lan Chi đang cung ứng gần 20.000 mặt hàng các loại phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Để tăng tính cạnh tranh, Siêu thị thực hiện rất nhiều hình thức kích cầu mua sắm, tiêu dùng. Theo đó, mỗi kỳ sẽ có 300-500 sản phẩm được chạy giảm giá. Tính bình quân, doanh thu của Siêu thị đạt trên dưới 20 tỷ đồng/tháng.
TP. Thái Nguyên cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác quản lý thị trường, quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu, xử lý nghiêm trường hợp gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển thương mại điện tử, xúc tiến thương mại… Tính từ đầu năm đến nay, Đội Quản lý thị trường số 2 TP. Thái Nguyên đã xử lý 95 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 832 triệu đồng.
Để tiếp tục thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển, thời gian tới, TP. Thái Nguyên sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, gắn thương mại - dịch vụ với phát triển du lịch, công nghiệp trên địa bàn; tham gia liên kết, hợp tác phát triển du lịch, hình thành các tua, tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng.
Ngoài ra, thành phố sẽ thực hiện các giải pháp nhằm nâng sức cạnh tranh các sản phẩm, hàng hóa lợi thế, nhất là các sản phẩm truyền thống, đặc trưng; tích cực tham gia vào chuỗi liên kết, phân phối sản phẩm trong tỉnh và khu vực; tập trung mời gọi các nhà đầu tư vào đầu tư, xây dựng trung tâm thương mại, hội chợ triển lãm...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin