Cải thiện, nâng hạng Chỉ số PGI

Thúy Hằng 07:54, 01/07/2024

Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023, Thái Nguyên đạt 20,85 điểm, tăng 4,8 điểm so với năm 2022. Tuy nhiên, thứ hạng lại xếp ở vị trí 41/63 tỉnh, thành phố, giảm 30 bậc so với năm trước. Với mục tiêu cải thiện, nâng hạng Chỉ số PGI, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững...

Nhà máy may TNG Võ Nhai (thuộc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG) là cơ sở sản xuất đầu tiên trên địa bàn tỉnh đồng thời đạt tiêu chuẩn nhà máy xanh LEED và LOTUS. Ảnh: T.L
Nhà máy may TNG Võ Nhai (thuộc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG) là cơ sở sản xuất đầu tiên trên địa bàn tỉnh đồng thời đạt tiêu chuẩn nhà máy xanh LEED và LOTUS. Ảnh: T.L

Chỉ số PGI lần đầu tiên được VCCI công bố vào năm 2022; Thái Nguyên xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố. Xác định phát triển bền vững không thể thiếu 1 trong 3 yếu tố: Kinh tế - xã hội - môi trường, tỉnh đã và đang nỗ lực cụ thể hóa các mục tiêu thông qua thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với tăng trưởng xanh, lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm yếu tố then chốt.

Thời gian qua, tỉnh đã khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch, cơ chế song phương, đa phương và xã hội hóa trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường (BVMT), giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đến môi trường hướng đến tăng trưởng xanh, các-bon thấp.

Hiện thực hóa mục tiêu trên, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về BVMT luôn được các sở, ban, ngành quan tâm. Năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu chủ trì, phối hợp, tổ chức 14 hội nghị phổ biến quy định pháp luật về BVMT và các quy định liên quan cho 1.323 người.

Nhiều công trình BVMT đã được đầu tư phát huy hiệu quả. Sở Tài nguyên và Môi trường duy trì quan trắc tại 183 điểm quan trắc thủ công, định kỳ; 9 trạm quan trắc liên tục tự động môi trường xung quanh; giám sát 53 trạm quan trắc tự động nguồn thải của 26 cơ sở sản xuất. Đến nay, có 26/53 cơ sở đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát.

Trạm xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Yên Bình (TP. Phổ Yên) có công suất xử lý 60.000m³ nước thải/ngày đêm.
Trạm xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Yên Bình (TP. Phổ Yên) có công suất xử lý 60.000m³ nước thải/ngày đêm.

Công tác kiểm tra, giám sát về việc thực hiện các quy định về BVMT được đặc biệt quan tâm. Giai đoạn 2017-2022, các ngành, các cấp thuộc tỉnh đã tổ chức 445 cuộc kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân. Qua đó đã xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT đối với 352 cá nhân, cơ sở với tổng số tiền phạt trên 15 tỷ đồng.

Riêng năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra đối với 63 cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Để sàng lọc các dự án có công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều nguyên liệu, năng lượng, xả thải lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đề nghị các cơ sở sản xuất kinh doanh quan tâm thực hiện việc tái sử dụng, tái chế chất thải.

Vì vậy, trên địa bàn tỉnh hiện đã có các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại; tái sử dụng xỉ thải các nhà máy nhiệt điện, nhà máy luyện thép để sản xuất vật liệu xây dựng; sử dụng đầu mẩu gỗ thải, vỏ cây làm nhiên liệu cung cấp nhiệt...

Nhờ những giải pháp trên, năm 2023, qua đánh giá, Thái Nguyên có 3/4 chỉ số thành phần tăng điểm là: Chỉ số về giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đạt 6,67 điểm, tăng 3,16 điểm so với năm 2022; Chỉ số về đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu, đạt 5,48 điểm, tăng 0,09 điểm; Chỉ số về chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong BVMT, đạt 4,75 điểm, tăng 2,38 điểm.

Tuy nhiên, Chỉ số vai trò của chính quyền cấp tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh chỉ đạt 3,95 điểm, giảm 0,77 điểm và hạ tới 28 bậc (năm 2022 đạt 4,79 điểm, điểm hạng thứ 9). Theo kết quả điều tra chỉ số này, tỷ lệ doanh nghiệp đã từng đầu tư xanh còn thấp (chỉ đạt 5%); chi phí đầu tư xanh chiếm 80% trong tổng chi phí vận hành…

Tại các phân xưởng thuộc Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn - TKV, công nhân trồng nhiều cây xanh, cây cảnh, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Tại các phân xưởng thuộc Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn - TKV, công nhân trồng nhiều cây xanh, cây cảnh, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

Để nâng cao Chỉ số PGI, giai đoạn 2024-2025 nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu cả nước, phấn đấu cải thiện số điểm của các chỉ số thành phần, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 109/KH-UBND cải thiện, nâng hạng Chỉ số PGI của tỉnh giai đoạn 2024-2025.

Theo đó, mục tiêu đề ra là duy trì và nâng cao Chỉ số PGI một cách bền vững. Từ những chỉ số thành phần giảm điểm, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương có giải pháp để cải thiện, nâng cao một cách thực chất, bền vững.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh: Thái Nguyên cần nhìn nhận Chỉ số PGI như một cuộc thi đua giữa các tỉnh với nhau, là động lực phát triển kinh tế. Tỉnh cần tiếp tục quan tâm đến chính sách để đầu tư phát triển doanh nghiệp xanh, kinh tế xanh, hướng tới NetZero. Thời gian tới, VCCI sẽ kết hợp các bộ, ngành đưa ra Bộ chỉ số khu công nghiệp bền vững. Do đó, Thái Nguyên phải có sự chuyển đổi, khẳng định vị thế, có nhiều doanh nghiệp xanh hơn, đóng góp cho sự bền vững của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, nêu 3 đề xuất để nâng cao thứ hạng PGI là: Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh phổ biến, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về PGI, các công việc và trách nhiệm cụ thể mà cơ quan nhà nước đang thực hiện để doanh nghiệp có thông tin đánh giá được chính xác. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh đưa các tiêu chí đánh giá PGI vào Bộ chỉ số đánh giá (DDCI) ngay trong năm 2024. Trong hoạt động thi đua khen thưởng đối với doanh nghiệp, doanh nhân, Hiệp hội đề nghị bổ sung các tiêu chí sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) vào tiêu chí xét thi đua khen thưởng...