Diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn TP. Phổ Yên đang dần thu hẹp để nhường chỗ cho các công trình, dự án. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, Phổ Yên đã khuyến khích, tạo điều kiện để người dân phát triển đa dạng ngành nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển toàn diện.
Sản xuất tại Công ty CP Kết cấu thép và Xây dựng Tân Khánh (phường Đắc Sơn, TP. Phổ Yên). |
Theo ông Trần Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên: Xác định phát triển công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, thành phố đã tập trung thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp phát triển.
Không chỉ làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự, Phổ Yên đã tập trung cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; duy trì, thực hiện tốt công tác đối thoại với doanh nghiệp, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Riêng 6 tháng đầu năm 2024, UBND TP. Phổ Yên đã đơn giản hóa, giảm bớt 25% số lượng thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí; giải phóng mặt bằng hơn 35ha để thực hiện các dự án phát triển công nghiệp…
Nhờ đẩy mạnh thu hút đầu tư, đến nay, TP. Phổ Yên đã có hơn 800 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cơ khí, vật liệu xây dựng, may mặc, điện tử, vận tải...
Tính đến hết tháng 6-2024, giá trị sản xuất ngành công nghiệp do địa phương quản lý ước đạt trên 3.600 tỷ đồng, bằng 107,3% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả không chỉ giúp tăng nguồn thu ngân sách, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Một xưởng gia công cơ khí tại phường Trung Thành (TP. Phổ Yên). |
Ông Nguyễn Đức Hiếu, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải TN38 tại Cảng Đa Phúc, cho biết: Được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính và mặt bằng, năm 2021, chúng tôi đầu tư xây dựng bến bãi rộng hơn 4.000m2 để tập kết, vận chuyển dăm gỗ đi cảng Cái Lân (Quảng Ninh). Với hệ thống giao thông kết nối, hoạt động kinh doanh của đơn vị khá thuận lợi, tạo việc làm cho hơn 10 lao động, với thu nhập bình quân đạt 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp, các dịch vụ “ăn theo” tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Phổ Yên cũng “nở rộ”. Nhiều hộ dân sinh sống gần các công ty, nhà máy, xí nghiệp đã từng bước chuyển đổi nghề nghiệp, lựa chọn cung cấp, kinh doanh các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của công nhân, người lao động, như: Ăn uống, giải trí, nhà trọ...
Anh Nguyễn Tiến Minh, chủ một cửa hàng ăn tại tổ dân phố An Thái Bình, phường Đồng Tiến, cho hay: Sau khi bị Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển công nghiệp, năm 2015, tôi đã đăng ký lớp đào tạo nghề nấu ăn và mở cửa hàng kinh doanh. Với lợi thế gần Khu công nghiệp Yên Bình, hoạt động kinh doanh tại đây khá ổn định, lợi nhuận thu về trên 10 triệu đồng/tháng.
Để đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, TP. Phổ Yên cũng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; trên 12 tỷ đồng cải tạo hạ tầng Chi nhánh thương mại Phổ Yên, nâng cấp, cải tạo các chợ... Trên cơ sở này, thành phố tích cực tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Hiện nay, thành phố đã có hơn 24.000 hộ sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, giải trí, nhà trọ…; phát triển 7 công trình thương mại đạt cấp đô thị, 12 chợ, 26 cơ sở kinh doanh xăng dầu, 19 ngân hàng thương mại trên địa bàn.
Chăn nuôi theo hình thức trang trại đang được TP. Phổ Yên đẩy mạnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. |
Thành phố cũng đã thu hút đầu tư các dự án khu nghỉ dưỡng lớn trên địa bàn như: Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, thể dục thể thao hồ Suối Lạnh (tổng diện tích trên 437ha, trong đó đất thương mại dịch vụ 10,6ha); Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Phúc Tân Núi Cốc; Làng sinh thái Núi Cốc ESCAPE...
Không chỉ chú trọng phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp cũng được TP. Phổ Yên quan tâm, nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động khu vực nông thôn. Với 33 làng nghề và làng nghề truyền thống (chè, mộc mỹ nghệ, mây tre đan), thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chú trọng đào tạo nghề…
Nhờ đó đến nay, toàn thành phố có trên 7.000 lao động làm việc tại các làng nghề, với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng; doanh thu các làng nghề đạt trên 55 tỷ đồng/năm.
Nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, cùng với khuyến khích, vận động nhân dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, TP. Phổ Yên cũng thực hiện kế hoạch sản xuất chuyển đổi theo hướng khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề, trang trại, bước đầu hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, vùng sản xuất hàng hoá tập trung.
Đến nay, một số mặt hàng nông sản của địa phương đã có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường như: Rau an toàn Đông Cao, nhãn Khe Đù, chè an toàn xã Phúc Thuận, Minh Đức…
Nhờ đẩy mạnh phát triển đa dạng ngành nghề, kinh tế - xã hội TP. Phổ Yên đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương đạt trên 20%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,74%...
Đặc biệt, cơ cấu kinh tế của thành phố có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ (chiếm tỷ lệ 97,2%), nông nghiệp còn chiếm 2,8%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn thành phố chiếm 78%...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin