Xuất phát điểm là hộ nghèo, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực không mệt mỏi và phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, gia đình anh Triệu Văn Sinh (dân tộc Dao, ở xóm Chùa Bứa, xã Bình Long, Võ Nhai) từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ trồng rừng và chăn nuôi.
Từ trồng rừng và chăn nuôi, đầu năm nay, gia đình anh Triệu Văn Sinh (đứng giữa) đã xây dựng được ngôi nhà trị giá trên 1 tỷ đồng. |
Xóm Chùa Bứa nằm tiếp giáp với xã Canh Nậu, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Đặc điểm của xóm là nhiều đồi núi, độ dốc cao, xa trục chính đường giao thông nên trồng rừng rất khó khăn. Những năm trước, người dân địa phương ngại trồng rừng còn do suy nghĩ sau này khi đến tuổi khai thác, vận chuyển gỗ đi tiêu thụ khó khăn, tư thương ép giá…
Khác với suy nghĩ của nhiều người dân, anh Triệu Văn Sinh cho rằng: Trồng rừng để phủ xanh đất trống đồi núi trọc, khi được khai thác tuy gỗ rừng trồng cho thu nhập ổn định. Nhưng chỉ có tình yêu đối với rừng là chưa đủ, mà trước hết phải có vốn đầu tư, nghị lực và quyết tâm cao thì mới trồng được rừng trong điều kiện khó khăn như thế.
Nghĩ là làm, anh Sinh đã tận dụng mọi cơ hội để mở rộng diện tích rừng trồng. Sau khi lập gia đình năm 2003, từ mảnh đất bố mẹ cho trên 1ha heo hút giáp xã Canh Nậu, vợ chồng anh đã kết hợp chăn nuôi gà, lợn, trâu bò và phủ xanh toàn bộ diện tích đất. Tích lũy được tiền anh lại mua đất rừng để mở rộng sản xuất. Ngoài nhân lực của gia đình 4 người (vợ và 2 con trai), anh thuê nhân công phát dọn thực bì, cuốc hố, vận chuyển cây giống.
Từ 1ha ban đầu, đến nay gia đình anh đã có 13ha rừng chủ yếu là keo. Khi rừng chưa có sản phẩm, để “lấy ngắn nuôi dài”, anh Sinh đã mạnh dạn vay 500 triệu đồng từ ngân hàng để đầu tư mở rộng trang trại nuôi lợn. Trên diện tích đất ở gần 12.000m2, anh đã xây chuồng trại, hệ thống bioga để xử lý chất thải. Trung bình mỗi lứa anh nuôi trên 100 con lợn thịt và 20 con lợn nái sinh sản.
Dẫn chúng tôi đi “mục sở thị” những cánh rừng trồng đầu những năm 2019, anh Sinh nói: Ở vùng sâu vùng xa này nếu bà con biết khai thác tiềm năng của đất rừng thì cuộc sống sẽ sung túc hơn. Keo trồng từ 6-7 năm là đến tuổi khai thác. Vừa rồi tôi bán gọn cho người ta tự khai thác 2ha đã thu được gần 200 triệu đồng.
Nhìn theo bước chân thoăn thoắt của anh Sinh qua những đồi keo sắp đến kỳ khai thác, chúng tôi thầm cảm phục ý chí, nghị lực, quyết tâm cao, sự lao tâm khổ tứ của anh để có được thành quả như ngày hôm nay.
Nhận xét về anh Triệu Văn Sinh, Trưởng xóm Chùa Bứa Phạm Ngọc Toản khẳng định: Anh Sinh là điển hình trong việc trồng rừng, phát triển chăn nuôi, làm giàu từ mảnh đất quê hương. Không chỉ vượt khó làm kinh tế giỏi, anh Sinh còn tích cực gương mẫu đi đầu trong các công việc chung, cũng như hỗ trợ người dân trong xóm trong phát triển kinh tế gia đình. Gia đình anh có 2 con trai đều chăm ngoan, học tập tốt. Hiện 1 cháu đang là học sinh lớp 9, 1 cháu là sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên.
Chưa cần chế biến, mỗi héc-ta keo đến tuổi khai thác mang lại nguồn thu khoảng gần 100 triệu đồng, giúp anh Sinh trở thành tỷ phú từ trồng rừng. Từ nguồn thu trồng rừng kết hợp với chăn nuôi, trừ chi phí mỗi năm gia đình anh tiết kiệm được 500-600 triệu đồng. Sự kiên trì, quyết tâm, không ngại gian khổ anh Triệu Văn Sinh đã gặt hái được thành quả trong quá trình phát triển kinh tế từ chăn nuôi và đầu tư lâm nghiệp đúng hướng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin