Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo: Hướng đi mới cho người dân

Hoàng Hải 10:40, 25/07/2024

Tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đào tạo được đội ngũ cán bộ kỹ thuật, đã sản xuất, sơ chế thành công nấm đông trùng hạ thảo và tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân, hướng tới quảng bá và giới thiệu sản phẩm ra thị trường, nâng cao thu nhập... là những kết quả của Dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi trồng và sơ chế các sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) tại Thái Nguyên" - Dự án.

Đại diện Công ty TNHH Thảo dược Gold NT và Hội Nông dân phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên) ký hợp tác liên kết sản xuất.
Đại diện Công ty TNHH Thảo dược Gold NT và Hội Nông dân phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên) ký hợp tác liên kết sản xuất.

Dự án do Công ty TNHH Thảo dược Gold NT (tổ 27, phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên) triển khai theo Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 do Trung ương quản lý, được Bộ KH&CN ra quyết định phê duyệt. Dự án được triển khai từ năm 2021, đến nay, việc nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo đã thực hiện thành công, kết quả đánh giá đều đạt tiêu chuẩn.

Tham quan khu nghiên cứu, nuôi trồng và sơ chế nấm đông trùng hạ thảo của Công ty tại Khu nhà thực nghiệm, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên), chúng tôi bị cuốn hút vào hàng nghìn hộp nấm hồng đang đâm chồi non trong phòng nuôi cấy.

Nấm được nuôi cấy, trải qua thời gian “ngủ đông” rồi “đâm chồi” trong môi trường, nhiệt độ lý tưởng, tuân thủ theo các quy chuẩn đã được nghiên cứu, đánh giá khắt khe. Mỗi lô nấm là thành quả sau hơn 3 năm nghiên cứu, thực nghiệm của đội ngũ cán bộ kỹ thuật sau khi được chuyển giao công nghệ nuôi trồng.

Trước đó, nhiều lô nấm sau khi thu hoạch, kiểm định chất lượng đã được sơ chế (sấy khô) và đóng gói thành sản phẩm hoàn thiện, đảm bảo chất lượng. Ngoài phòng nuôi trồng còn có các khu vực thu hoạch, sấy thăng hoa, sấy nhiệt gió, đóng gói, bảo quản sản phẩm. Tất cả đều được đầu tư mới với các trang thiết bị chuyên dụng.

Ông Nguyễn Công Đoàn, Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Gold NT (đơn vị chủ trì thực hiện Dự án), giới thiệu: Để thực hiện Dự án này, Công ty đã liên kết, hợp đồng với Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Lâm Đồng để chuyển giao công nghệ. Theo đó, Công ty đã cử 5 cán bộ kỹ thuật có trình độ kỹ sư trở lên có chuyên môn phù hợp tiếp nhận, làm chủ quy trình sản xuất giống, nuôi trồng và sơ chế các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đào tạo 15 kỹ thuật viên cơ sở về kỹ thuật nuôi trồng, sơ chế các sản phẩm. Cùng với nhân lực là hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho Dự án được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và đảm bảo theo quy định, chất lượng.

Cũng theo ông Nguyễn Công Đoàn, quy trình kỹ thuật nhân giống và sản xuất nấm đông trùng hạ thảo đã được một số cơ sở sản xuất tại địa phương thực hiện. Tuy nhiên, hầu hết nguồn giống chưa rõ nguồn gốc, dễ bị thoái hóa, năng suất, chất lượng không ổn định, chưa tạo ra được giá trị tăng thêm của sản phẩm.

Nấm đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Thảo dược Gold NT tại Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên).
Nấm đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Thảo dược Gold NT tại Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên).

Dự án này được triển khai thực hiện sẽ tiếp nhận và nhận chuyển giao công nghệ kỹ thuật từ một đơn vị có uy tín, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị tạo mô hình nhân giống, nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo theo quy mô công nghiệp theo đúng quy trình, quy chuẩn, giải quyết được những tồn tại nêu trên.

Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật sau khi được đào tạo và được xác nhận đủ điều kiện chuyển giao quy trình sẽ tổ chức tập huấn và hướng dẫn cho các hộ dân trên địa bàn muốn tham gia nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo.

Theo đó, Công ty đã phối hợp với UBND và Hội Nông dân phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên) tổ chức các lớp tập huấn giới thiệu mô hình và kỹ thuật sản xuất giống, nuôi trồng và sơ chế các sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo đến 150 lượt người dân. Tại các lớp tập huấn, người dân được nghe giới thiệu về giá trị và hiệu quả kinh tế đối với nấm đông trùng hạ thảo, đồng thời nắm bắt các quy trình kỹ thuật sản xuất giống, nuôi trồng và sơ chế sản phẩm.

Bà Ma Từ Thị Mai Điệp, Chủ tịch Hội Nông dân phường Chùa Hang, phấn khởi nói: Tôi thấy mô hình sản xuất, sơ chế nấm đông trùng hạ thảo này rất có tiềm năng, phù hợp với nhiều hội viên nông dân trên địa bàn. Đây là cơ hội để người nông dân thay đổi tư duy, đổi mới phương thức sản xuất truyền thống sang ứng dụng KH&CN từ việc tiếp cận, tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất với Công ty, từ đó nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Sau các buổi tập huấn, thông qua Hội Nông dân, các hộ đăng ký, ký hợp đồng với Công ty trong thực hiện nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo tại gia đình.

Khi tham gia vào chuỗi liên kết, các hộ sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo tập huấn, nắm vững quy trình công nghệ kỹ thuật nuôi trồng và thu hoạch nấm. Cán bộ Công ty sẽ tư vấn thiết kế nhà nuôi trồng loại nấm quý này tại gia đình phù hợp, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật. Trong suốt quá trình thực hiện, bà con sẽ được cán bộ kỹ thuật của Công ty hỗ trợ kiểm tra kỹ thuật nuôi trồng và thu hoạch nấm đồng trùng hạ thảo. Sau đó, sản phẩm làm ra của các hộ dân được hỗ trợ tiêu thụ ra thị trường.



Phân Phối yến hũ chưng sẵn DXNEST Nguyên Chất, Giá Tốt Đông Trùng Hạ Thảo Thiên Phúc