Khó quản lý livestream bán hàng

Minh Anh 08:33, 16/08/2024

Livestream bán hàng đang là xu hướng kinh doanh phát triển trong thời gian gần đây. Thực tế, hoạt động này mang lại doanh thu lớn cho người bán và được thuê livestream. Song, công tác quản lý còn nhiều khó khăn.

Bán hàng livestream đang là xu thế hiện nay (ảnh minh họa).
Bán hàng livestream đang là xu thế hiện nay (ảnh minh họa).

Livestream bán hàng là kinh doanh bằng cách phát video trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch, website thương mại điện tử, kênh truyền hình. Trong các phiên livestream thường có tổ chức, cá nhân bán hàng cho chính họ hoặc các blogger, tiktoker, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội được trả hoa hồng để bán hàng.

Dư luận chắc hẳn không xa lạ khi nghe về những phiên livestream khủng với doanh thu tới hàng chục tỷ đồng xuất hiện thời gian vừa qua trên các kênh tiktok. Đơn cử như đối với kênh tiktok Quyền Leo Daily, sau 17 tiếng livestream đã thu về 100 tỷ đồng, mức kỷ lục của một phiên livestream bán hàng ghi nhận được trên nền tảng thương mại điện tử ở Việt Nam. Trước đó, kênh này cũng thu về hơn 72 tỷ đồng trong phiên livestream 12 tiếng hồi tháng 3. Không chỉ kênh nêu trên, những phiên livestream bán hàng với doanh thu tới hàng chục tỷ đồng nhiều lần xuất hiện.

Thực tế, hoạt động này mang lại doanh thu lớn cho người bán và được thuê livestream. Theo đó, đối với kênh tiktok, những người có phát sinh thu nhập trên tiktok shop gồm nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung đều phải đăng ký mã số thuế, tài khoản ngân hàng gắn với căn cước công dân và chịu sự quản lý của cơ quan chức năng. Song, thực tế số người bán hàng nhiều, lượng giao dịch lớn, việc chấp hành các quy định về thuế đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các bên.

Tại phiên chất vấn Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận thương mại điện tử là lĩnh vực “khó quản lý”. Bộ trưởng nói giải pháp là sẽ đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành và các địa phương, đưa ra cơ chế giám sát đầu tư nước ngoài trong thương mại điện tử.

Đánh giá thu thuế với lĩnh vực thương mại điện tử, bán hàng livestream này còn thất thoát, tại một hội nghị mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Tài chính sửa quy định về hóa đơn điện tử, để kiểm soát các giao dịch này.

Đối với ngành Thuế, Tổng cục Thuế đã yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố tiếp tục khẩn trương rà soát kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết, cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm.

Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trực tuyến, livestream bán hàng hóa, dịch vụ cũng nằm trong đối tượng phải rà soát, kiểm tra. Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ, dự kiến sửa đổi theo hướng các ngành bán lẻ sẽ phải sử dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối với cơ quan thuế. Theo đó, bán hàng online, livestream cũng sẽ nằm trong diện này.

Năm ngoái, thương mại điện tử ở Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 25%, xếp vào nhóm 5 quốc gia tăng trưởng hàng đầu thế giới. Thương mại điện tử nói chung phát triển nhanh tạo áp lực với ngành thuế trong quản lý nguồn thu từ lĩnh vực này. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khoản thuế thu nhập này được kê khai đúng, đủ, hợp lý để tránh thất thu.

Đối với những cá nhân livestream tự do trên không gian mạng thì việc thu thuế không dễ dàng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý kinh doanh cũng như quản lý thuế rất phức tạp, vì hình thức bán hàng này không giống như hình thức đưa hàng lên sàn thương mại điện từ. Vì vậy, để đảm bảo việc quản lý thuế hiệu quả cần thiết có sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các bên liên quan.