Xác định chợ truyền thống có vai trò quan trọng trong mạng lưới phân phối và tiêu thụ hàng hóa, những năm qua, TP. Phổ Yên đã quan tâm đầu tư hạ tầng, phát triển các chợ theo quy hoạch nông thôn mới. Qua đó góp phần phát triển thương mại - dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân.
Chợ Ba Hàng, thuộc phường Ba Hàng (TP. Phổ Yên) là chợ loại 1, hiện có trên 570 điểm kinh doanh cố định. |
Trên địa bàn TP. Phổ Yên hiện có 12 chợ truyền thống, trong đó có 1 chợ loại 1 (chợ Ba Hàng), còn lại là chợ loại 3, với tổng số 1.432 điểm kinh doanh cố định. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ, từ năm 2017 đến nay, thành phố đã đầu tư trên 3 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất các chợ, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa của nhân dân.
Hiện nay, các chợ đều được xây dựng kiên cố, hệ thống tiêu thoát nước bảo đảm, công tác vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm được chú trọng. Ban quản lý các chợ cũng đã thành lập tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy, đồng thời phổ biến, tập huấn về các quy định liên quan để tiểu thương kinh doanh an toàn, hiệu quả. Từ đó góp phần hạn chế tình trạng họp chợ “cóc”, chợ tạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Ông Lê Thái Anh, Chủ tịch UBND xã Phúc Tân, cho biết: Năm 2021, chợ Phúc Tân với diện tích 1.600m2 được cải tạo, sửa chữa khang trang với tổng kinh phí đầu tư 1,5 tỷ đồng. Là một xã thuần nông, cách xa trung tâm thành phố, do vậy việc nâng cấp chợ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu kinh doanh, mua bán hàng hóa của nhân dân địa phương.
Với lợi thế có Quốc lộ 3 (cũ) đi qua, hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn TP. Phổ Yên ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân. |
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ, TP. Phổ Yên cũng tích cực thực hiện việc chuyển đổi mô hình chợ từ chính quyền quản lý sang doanh nghiệp quản lý. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 2 chợ là Ba Hàng và Đồng Tiến được doanh nghiệp đầu tư vốn, quản lý theo hình thức BOT, các chợ còn lại do UBND các xã, phường quản lý thông qua ban quản lý chợ. Theo đánh giá, các chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý đều được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang; công tác quản lý, khai thác và vận hành hiệu quả, bài bản hơn, tạo điều kiện thuận lợi để các tiểu thương kinh doanh ổn định.
Thực hiện việc chuyển đổi số tại các chợ, TP. Phổ Yên đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp viễn thông triển khai mô hình chợ 4.0 tại các xã, phường: Ba Hàng, Đông Cao, Tiên Phong, Thành Công, Minh Đức, Phúc Thuận, Phúc Tân, Vạn Phái. Đến nay, trên 70% tiểu thương tại các chợ đã tạo mã QR phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Ban quản lý các chợ cũng đã triển khai thu một số khoản tiền, phí dịch vụ (như thu tiền điện, nước, cước dịch vụ viễn thông...) tại các chợ 4.0 thông qua tài khoản ngân hàng, tài khoản di động (mobile money).
Cùng với phát triển, nâng sức hút của các chợ truyền thống, hiện nay, trên địa bàn TP. Phổ Yên có nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích được đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động, với tổng diện tích trên 6.500m2, điển hình như siêu thị LanChi Mart, Điện máy Xanh, Điện máy Trung Xuân, Thế giới di động…
Cùng với đó, việc thu hút đầu tư xây dựng các công trình góp phần phát triển thương mại - dịch vụ của địa phương cũng được chú trọng. Theo đó, thành phố đã thu hút được một số dự án đầu tư lớn, như: Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, thể dục thể thao hồ Suối Lạnh (với tổng diện tích trên 437ha, trong đó đất thương mại - dịch vụ là 10,6ha); Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Phúc Tân Núi Cốc; Khu du lịch nghỉ dưỡng Núi Cốc ESCAPE…
Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, hoạt động thương mại - dịch vụ ở TP. Phổ Yên ngày càng phát triển. Tính đến cuối tháng 7-2024, tổng mức luân chuyển, bán lẻ hàng hóa trên địa bàn ước đạt trên 6.300 tỷ đồng, bằng 65,7% kế hoạch năm và tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan song hạ tầng thương mại ở một số khu vực trên địa bàn TP. Phổ Yên còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố: Hệ thống chợ, siêu thị chủ yếu thiên về chức năng bán lẻ; hạ tầng thương mại - dịch vụ ở khu vực nông thôn chưa phát triển tương xứng, cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu. Công tác quản lý chợ còn một số bất cập, thiếu đồng bộ, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được giải quyết triệt để...
Trước thực tế này, thời gian tới, cùng với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước, TP. Phổ Yên tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ trên địa bàn. Trong đó tập trung nâng cấp các chợ truyền thống bảo đảm tiêu chí nông thôn mới, chợ loại 1; đồng thời triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý tốt chất lượng hàng hóa tại các chợ, quan tâm hỗ trợ nhiều hơn để các tiểu thương nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin