Bán hàng trực tuyến (online) là xu hướng thời đại, có lợi cho cả người bán và người mua. Theo dự báo, phương thức bán hàng trực tuyến sẽ ngày càng phát triển mạnh trên phạm vi cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Dù vậy, việc quản lý kinh doanh trực tuyến hiện chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt là việc quản lý, thu thuế các tổ chức, cá nhân thực hiện phương thức bán hàng này vẫn đang bị bỏ ngỏ…
Nhiều hộ kinh doanh chè tại Thái Nguyên đã tiêu thụ được lượng lớn sản phẩm chè búp khô nhờ livestream bán hàng. |
Kinh doanh online nở rộ
Là hình thức giao dịch, mua bán sản phẩm, dịch vụ thông qua Internet, kinh doanh trực tuyến đang nở rộ trên thế giới, trong nước và ở Thái Nguyên. Theo đó, nơi thực hiện quá trình mua bán có thể là các trang mạng xã hội Facebook, Tiktok, Zalo,… hoặc các diễn đàn, blog, website và các trang thương mại điện tử.
Chị Hoàng Thu Hà, chủ một cửa hàng thời trang ở phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên), nhận định: Hiện nay, Internet dường như không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Mọi người sử dụng mạng để tìm kiếm thông tin, giải trí, xem tin tức và mua sắm trực tuyến. Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của điện thoại thông minh. Do đó, ngoài phương thức bán hàng truyền thống, chúng tôi còn kinh doanh trực tuyến. Khi có các mẫu hàng quần, áo, giày, dép mới nhập về, tôi chụp ảnh, quay video rồi đăng tải qua trang Facebook cá nhân hoặc Zalo. Khách hàng xem, thích mẫu nào thì nhắn tin hoặc bình luận trực tiếp để cửa hàng tư vấn về kích cỡ, mầu sắc... Khi khách đồng ý “chốt” hàng, chúng tôi trao đổi số điện thoại, địa chỉ, chuyển khoản và gửi hàng đi. Phương thức bán hàng này rất thuận tiện, có những ngày tôi bán vài chục đơn.
Tương tự chị Hà, hầu hết các cửa tiệm kinh doanh ở Thái Nguyên đều bán hàng trực tuyến. Không chỉ đăng tải thông tin sản phẩm trên trang cá nhân Facebook, Zalo, Tiktok…, họ còn tham gia nhiều hội, nhóm trên các nền tảng mạng xã hội để sản phẩm được nhiều người biết đến, giúp việc bán hàng thuận lợi hơn.
Livestream bán hàng là một hình thức kinh doanh trực tuyến bằng cách phát trực tiếp video trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Intargram… Phương thức này đang được nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng. Mới đây nhất (sáng 2-8 vừa qua), để tiêu thụ na cho vùng quả ngọt La Hiên (Võ Nhai), UBND huyện và Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã tổ chức phiên livestream trên nền tảng Facebook, Tiktok tại một vườn na ở xóm Xuân Hòa. Na được bán combo 5kg với giá 399 nghìn đồng.
Đáng mừng là chỉ sau 4 giờ phát sóng trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội, phiên livestream đã thu hút 6 triệu lượt xem, trong đó có 865 đơn mua hàng, số lượng 4,7 tấn. Ông Tầm Văn Cử, Chủ tịch UBND xã La Hiên, cho biết: Đây là lần thứ hai sản phẩm na La Hiên được livestream quảng bá, tiêu thụ trên các nền tảng xã hội. Phiên livestream đầu tiên (tháng 8-2023) đã có 1.600 đơn hàng được chốt với 6,3 tấn na tiêu thụ.
Thực tế cho thấy, kinh doanh trực tuyến thuận cả cho người bán, lợi cả cho người mua. Bất kể ở đâu, chỉ cần có mạng Internet, điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng là mọi người có thể mua được hàng. Người bán cũng không cần phải mất quá nhiều chi phí để thuê địa điểm kinh doanh có vị trí đắc địa mà vẫn có thể bán được hàng khá thuận lợi.
Khó kiểm soát doanh thu thực tế
Theo quy định tại điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC, nguyên tắc tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN theo quy định pháp luật. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, thuế TNCN được xác định cho một người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.
Từ quy định này cho thấy, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bán hàng online nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên thì phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN. Tuy nhiên, làm thế nào để kiểm soát được doanh thu thực tế của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vẫn đang là bài toán chưa có lời giải?
Chị Chu Thị Hoa, tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), cho hay: Gia đình tôi chỉ bán hàng tạp hóa tại quầy nên việc quản lý của cơ quan thuế rất chặt chẽ. Hằng năm, tôi phải đóng thuế theo quy định vì doanh thu của cửa hàng lớn hơn 100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, đối với các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bán hàng trực tuyến, do không phải mất kinh phí thuê quầy, giá bán thấp hơn giá bán tại đại lý, cửa hàng nên thu hút lượng lớn khách hàng. Có những phiên livestream, doanh số bán hàng của họ lên đến vài chục triệu đồng. Mỗi năm, doanhh thu lên đến tiền tỷ nhưng họ không phải đóng thuế vì rất khó quản lý doanh thu bán hàng của những hộ kinh doanh này.
Hiện nay, không riêng Thái Nguyên mà trên toàn quốc, doanh thu bán hàng trên Facebook, Youtbbe, Tiktok… rất lớn, nhưng việc thu thế vẫn đang bị bỏ ngỏ. Nguyên nhân là do người bán hàng không phải đăng ký hay xuất trình giấy phép kinh doanh như bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Theo thống kê của ngành Thuế, năm 2021, số lượng hộ, cá nhân có hoạt động bán hàng qua mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại của Thái Nguyên là 65 cá nhân với tổng số thuế thu được 973 triệu đồng. Năm 2022, số liệu tương ứng là 71 cá nhân với tổng số thuế thu được là 1,46 tỷ đồng. Đến năm 2023, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh nộp vào ngân sách là 14,1 tỷ đồng, bằng 564% so với cùng kỳ năm trước. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin