Những năm qua, huyện Phú Bình đã triển khai thực hiện hiệu quả việc cho vay vốn tín dụng chính sách giúp người nghèo đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và làm giàu trên chính quê hương mình. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình anh Dương Viết Chung (ở tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình) có thêm nguồn lực đầu tư phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập. |
Gia đình anh Dương Viết Chung (ở tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Hương Sơn, Phú Bình) từng thuộc diện hộ nghèo, thu nhập rất bấp bênh, mọi chi phí sinh hoạt đều phụ thuộc vào công việc thợ xây của anh. Trước áp lực “cơm áo gạo tiền”, gia đình anh mong muốn phát triển chăn nuôi để có thêm thu nhập nhưng thiếu nguồn vốn.
Nắm bắt được hoàn cảnh và nhu cầu của gia đình, Tổ tiết kiệm và vay vốn của tổ dân phố đã hỗ trợ anh thủ tục vay vốn hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Anh Chung cho biết: Năm 2013, tôi vay 25 triệu đồng để mua 1 con bò cái. Đến năm 2015, tôi vay bổ sung lên 50 triệu đồng để mua thêm 1 con bò cái và 3 con lợn nái. Trung bình mỗi năm, tôi bán lợn con thu được trên 60 triệu đồng; 2 con bê được khoảng 16 triệu đồng. Với nguồn thu ổn định, đến năm 2023, tôi đã thoát diện hộ nghèo lên cận nghèo. Mới đây, tôi tiếp tục vay 100 triệu đồng từ vốn vay hộ cận nghèo để mở rộng quy mô chăn nuôi.
Không chỉ gia đình anh Chung, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trên địa bàn huyện Phú Bình đã được tiếp cận vốn chính sách để vươn lên phát triển kinh tế. Tính đến ngày 19-8, dư nợ cho vay hộ nghèo đạt trên 68,7 tỷ đồng với trên 980 hộ vay; cho vay hộ cận nghèo đạt trên 107,4 tỷ đồng với gần 1.600 hộ vay; mới thoát nghèo đạt trên 122 tỷ đồng với trên 1.800 hộ vay. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 3,03%, giảm 2,37% so với năm 2022.
Để đạt được kết quả trên, UBND huyện Phú Bình đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để chuyển tải nguồn vốn chính sách đến người dân có nhu cầu và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Theo đó, cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, huyện đã quan tâm bố trí ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn.
Lũy kế đến ngày 30/6/2024, tổng số tiền ngân sách huyện chuyển sang là trên 8,1 tỷ đồng, trong đó thực chuyển là gần 7,6 tỷ đồng, số lãi nhập gốc là 626 triệu đồng.
Để đảm bảo các nguồn vốn cho vay sử dụng hiệu quả, Ban đại diện NHCSXH của huyện luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, ngăn ngừa và chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, vướng mắc trong hoạt động tín dụng chính sách. Từ đầu năm đến nay, Ban đã kiểm tra được 10 xã với 40 hội, đoàn thể cấp xã, 13 tổ tiết kiệm và vay vốn, 58 khách hàng.
Ngoài giải pháp trên, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện cũng chỉ đạo Phòng giao dịch NHCSXH huyện; ban giảm nghèo các xã, thị trấn; các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác; tổ tiết kiệm và vay vốn tập trung triển khai tín dụng chính sách theo đúng quy định, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích.
Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, cho biết: Chúng tôi tích cực tuyên truyền các chương trình cho vay tới người dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng và buổi giao ban, giao dịch định kỳ. Hằng tháng, quý, đơn vị cũng phối hợp với các hội, đoàn thể kiểm tra việc sử dụng vốn vay, đối chiếu nợ vay đến các hộ có dư nợ.
Thời gian tới, huyện Phú Bình tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng chính sách, đảm bảo đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo có nhu cầu đều được vay vốn kịp thời. Trong đó trọng tâm là yêu cầu Phòng giao dịch NHCSXH huyện và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng chính sách, tăng cường kiểm tra hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn trong việc bình xét đối tượng cho vay, hướng dẫn thủ tục vay và giám sát tình hình sử dụng vốn vay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin