TP. Sông Công nỗ lực giải quyết việc làm cho người lao động

Minh Phương 10:11, 07/08/2024

Giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động (NLĐ) là nhiệm vụ trọng tâm được TP. Sông Công tập trung thực hiện trong thời gian qua. Thông qua các giải pháp đồng bộ, sát thực tế, nhiều lao động trên địa bàn thành phố đã tìm được việc làm mới, có nguồn thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống được nâng lên...

Cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ của gia đình ông Dương Văn Đông, ở tổ dân phố An Châu 2, phường Mỏ Chè (TP. Sông Công) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ của gia đình ông Dương Văn Đông, ở tổ dân phố An Châu 2, phường Mỏ Chè (TP. Sông Công) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.

TP. Sông Công có gần 80.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó lao động phi nông nghiệp chiếm hơn 80%, lao động nông nghiệp dưới 20%. Năm 2024, TP. Sông Công đề ra mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76,7%, trong đó tỷ lệ lao động có văn bằng chứng chỉ đạt 41%; tỷ lệ lao động thất nghiệp trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 1,8%; giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,26%, tỷ lệ hộ cận nghèo 0,12%...

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, UBND TP. Sông Công đã giao các chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ lao động thất nghiệp trong độ tuổi ở khu vực thành thị, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cho các địa phương. Thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan cung cấp thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho NLĐ, ưu tiên NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, NLĐ dân tộc thiểu số.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố tham mưu cho UBND thành phố tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm, thu hút hàng trăm NLĐ tham gia. Anh Dương Quốc Điệp, phường Bách Quang chia sẻ: Hiện nay thông tin tuyển dụng lao động được đăng tải rất nhiều trên mạng, facebook, zalo… nhưng tôi thấy tham gia phiên giao dịch việc làm tại địa phương vẫn hiệu quả hơn vì không phải thông qua môi giới hay trung gian, được trực tiếp gặp gỡ doanh nghiệp tuyển dụng nên lựa chọn được công việc phù hợp ở trong tỉnh mà không phải đi làm xa. 

Ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND xã Tân Quang cho rằng: Những phiên giao dịch việc làm đã phát huy tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và NLĐ, góp phần vào mở rộng liên kết, khai thác thị trường hiệu quả. Đặc biệt là đối với các cháu học sinh lớp 12 có thể nắm bắt thông tin tuyển dụng để lực chọn ngành nghề học hoặc tìm công việc phù hợp ngay nếu có nhu cầu.

Để người dân thêm cơ hội việc làm, TP. Sông Công còn thực hiện rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn thành phố. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Sông Công cho biết: 7 tháng đầu năm, đơn vị đã cho vay giải quyết việc làm với tổng doanh số trên 34 tỷ đồng, với 422 khách hàng. Từ nguồn vốn tín dụng này đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, ổn định thu nhập và vươn lên thoát nghèo. 

Cùng với đó, TP. Sông Công chú trọng công tác đào tạo nghề vào đối tượng lao động trong độ tuổi ở các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, xây dựng nông thôn mới; lao động trong các hợp tác xã, trang trại, làng nghề; lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo... Các nghề được lựa chọn đào tạo gồm: Dịch vụ nông nghiệp; sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; marketing…

Đối với hộ nghèo thuộc nhóm bảo trợ xã hội (hộ không có khả năng thoát nghèo vì trong hộ không còn người trong độ tuổi lao động và có khả năng lao động), thành phố tiếp tục thực hiệc các chính sách hỗ trợ theo quy định, đảm bảo 100% hộ nghèo trên địa bàn được hưởng đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, hạn chế trường hợp tái nghèo…

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong 7 tháng qua, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn TP. Sông Công đạt 75,9%, bằng 98,96% so với kế hoạch, tăng 6,78% so với cùng kỳ; tỷ lệ lao động có văn bằng chứng chỉ đạt 41,02%, bằng 100% kế hoạch; tỷ lệ lao động thất nghiệp trong độ tuổi ở khu vực thành thị còn 1,34%, bằng 100,46% kế hoạch; thành phố cũng tạo việc làm mới cho khoảng 700 lao động...

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, TP. Sông Công tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận nguồn vốn vay nhằm mở rộng quy mô đầu tư, phát triển kinh tế; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; thu hút đầu tư trên các lĩnh vực thương mại - dịch vụ; công nghiệp; phát triển làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác để giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn...