Sự giản dị, chất phác khiến chúng tôi không nhận ra chị là bà chủ giữa những người làm công. Đón chúng tôi bằng nụ cười tươi tắn, khoảng cách giữa chủ và khách bỗng thật gần. Trong câu chuyện, tôi biết chị từng có một tuổi thơ vất vả và nghèo khó, nay dù đã có tiền tỷ trong tay nhưng chị vẫn giữ được lối sống giản dị. Đó là chị Bùi Thị Nhung, sinh năm 1988, ở xóm Tiên Trường 1, xã Tiên Hội (Đại Từ).
Với 20 máy vò chè, gia đình chị Bùi Thị Nhung giảm nhiều công lao động. |
Sinh ra giữa đất chè, khi mới 5 tuổi, chị Nhung đã phải theo mẹ đi hái chè. Ngoài lúc đi học, phần lớn thời gian còn lại chị “dính” vào cây chè. Nhưng ở thời điểm đó, cây chè chưa thực sự mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân chứ nói gì tới chuyện làm giàu, bởi nhiều lý do, như: giống chè cũ, năng suất thấp, thiết bị, phương thức sản xuất lạc hậu, đầu ra không ổn định… Học hết cấp 2, chị phải bỏ học để đi hái chè, kiếm thêm thu nhập giúp đỡ gia đình.
Trong sự vất vả, khốn khó, chị chợt nghĩ: Tại sao mình ở đất chè, có kỹ năng sản xuất lại không thể sống được bằng cây chè, chẳng lẽ cả đời chỉ đi làm thuê? Trong khi có rất nhiều thương lái từ Tân Cương đến quê hương chị để mua nguyên liệu về sản xuất chè khô bán với giá cao?
Từ suy nghĩ đó, chị bắt đầu chú ý quan sát, tích lũy dần kinh nghiệm của những ông, bà chủ mà mình tới làm thuê. Sau khi lập gia đình riêng, vợ chồng chị gom góp được chút lưng vốn nên mạnh dạn đứng ra thu mua chè tươi để chế biến. Không ngờ quyết định đó là bước ngoặt định mệnh, giúp chị Nhung “lội ngược dòng” từ người làm thuê trở thành bà chủ.
Từ chỗ chạy ăn từng bữa, nay chị có cả một cơ ngơi khang trang, bề thế với ngôi nhà mới xây theo kiểu dáng biệt thự nằm giữa đồi chè rộng 2 mẫu xanh mướt mát; xưởng sản xuất chè với hàng chục máy quay, 2 chục máy vò chè hoạt động liên tục 10 tháng/năm với doanh thu trung bình 700-800 triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm ổn định cho 5 lao động, với mức thu nhập đạt tới 15 triệu đồng/người/tháng.
Để có thể trụ vững trên thương trường, chị Nhung xác định mình phải có lối đi riêng để dần gây dựng thương hiệu. Sản xuất chè đặc sản - đó là con đường chị lựa chọn và từng bước xây đắp. Để có giá bán từ 300 nghìn tới 10 triệu đồng/kg chè, chị Nhung phải tự đặt ra cho mình những điều kiện vô cùng khắt khe từ khâu thu mua nguyên liệu sản xuất, chế biến thành phẩm, như: Chỉ mua chè tươi được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; không mua chè ngày mưa, chè dính sương sớm; không mua chè hái vào buổi chiều… Hiện nay, mỗi ngày gia đình chị thu mua từ 1,5-1,7 tấn chè búp tươi với giá trung bình là 45 nghìn đồng/kg.
Chị Nhung chia sẻ: Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, tôi vẫn phải tự mình làm tất cả mọi việc từ thu mua đầu vào, đến sản xuất, chế biến. Trong sản xuất chè, tôi thấy khâu nào cũng quan trọng, chỉ một khâu lơ là ảnh hưởng ngay tới chất lượng. Chính vì tôi “kỹ tính” như vậy nên bạn hàng rất tin tưởng, ủng hộ. Chè của gia đình sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó.
- Với loại chè giá 10 triệu đồng/kg hẳn là làm rất kỳ công, phải không chị? - Tôi hỏi
Chưa trả lời ngay mà chị Nhung mau mắn ra lấy một ít chè tươi rồi làm vài thao tác để lấy một đinh chè nhỏ như hạt gạo từ trong búp nõn ra lòng bàn tay rồi giải thích: Để làm được loại chè này (chè đinh), tôi phải tuyển lựa rất kỹ, búp chè không được quá 20 ngày tuổi, về chỉ bóc lấy “hạt gạo”. Sao sấy loại chè này đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật rất cao. Giá chè đắt, lại lắm công phu nên chỉ khi có khách hàng đặt mua, tôi mới làm. Có tháng tôi bán được 10kg, còn trung bình chỉ từ 2-5kg.
Chị Bùi Thị Nhung anh Vi Trung Ánh có chung niềm đam mê sản xuất chè đặc sản, hướng tới xây dựng thương hiệu chè "Trung Ánh". |
Nói về dự định trong thời gian tới, chị Nhung cho biết: Tôi đang phối hợp với người em họ Vi Trung Ánh cùng niềm đam mê sản xuất chè đặc sản dự định thành lập hợp tác xã để cùng nhau xây dựng thương hiệu chè "Trung Ánh"; hướng đến mục tiêu nâng cao hơn nữa giá bán, giải quyết được nhiều việc làm hơn cho lao động, góp phần đưa hương chè địa phương bay xa, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin