Người dân Võ Nhai “khát” vốn vay giải quyết việc làm

Minh Phương 07:59, 14/09/2024

Võ Nhai là huyện vùng cao có điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm gần đây, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn có điều kiện phát triển các mô hình kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, song do nguồn vốn hạn chế, hiện nay, nhiều hộ có nguyện vọng nhưng chưa thể tiếp cận...

Gia đình anh Nguyễn Văn Tùng, xóm Đất Đỏ, xã Lâu Thượng vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm để đầu tư phát triển chăn nuôi bò thịt.
Gia đình anh Nguyễn Văn Tùng, xóm Đất Đỏ, xã Lâu Thượng, vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm để đầu tư phát triển chăn nuôi bò thịt.

Đòn bẩy cho lao động vùng khó

Năm 2022, bà Hoàng Thị Dung, xóm Đồng Mới, xã Phú Thượng, vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm của Ngân hàng CSXH huyện Võ Nhai để đầu tư trồng na. Vụ na vừa qua, với trên 500 gốc na, sản lượng đạt hơn 4 tấn/vụ, gia đình bà Dung thu lãi trên 100 triệu đồng.

Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, bà Dung cho biết: Sau khi vay vốn của Ngân hàng CSXH, tôi bắt đầu tìm hiểu và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào cải tạo lại đất, đốn tỉa cành, tạo tán cho cây... Nhờ đó, năng suất, chất lượng quả na được nâng lên, giá bán cũng cao hơn so với trước đây. Tôi mong muốn Ngân hàng CSXH nâng hạn mức cho vay và gia hạn thêm thời gian vay để chúng tôi có điều kiện tiếp tục duy trì và mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập.

Tương tự, năm 2022, anh Nguyễn Văn Tùng, xóm Đất Đỏ, xã Lâu Thượng, được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm để đầu tư phát triển chăn nuôi bò thịt. Anh Tùng chia sẻ: Nhờ có nguồn vốn vay tạo việc làm, cộng với số tiền dành dụm được, tôi đã xây dựng chuồng trại, mua thêm 4 con bê về nuôi. Mô hình nuôi bò thịt của tôi hiện có gần chục con, đang trong thời kỳ tăng trưởng tốt. Từ nguồn vốn vay, vợ chồng tôi có việc làm ổn định. Tôi muốn tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi để cải thiện thu nhập.

Cùng với bà Dung, anh Tùng, giai đoạn 2014-2024, Ngân hàng CSXH huyện Võ Nhai đã cho trên 3.000 lao động vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm, với tổng dư nợ đạt trên 63,7 tỷ đồng. Riêng năm 2023, Ngân hàng đã giải ngân số vốn 26,4 tỷ đồng, với gần 400 lao động được tiếp cận nguồn vốn này.

Ông Trần Trọng Quyết, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Võ Nhai, cho biết: Với đặc trưng của huyện vùng cao, chúng tôi xác định chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân vùng khó có thêm “cần câu” để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Đây cũng là một trong các chương trình tín dụng hiệu quả của Ngân hàng CSXH huyện Võ Nhai thời gian qua. Các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, chủ yếu đầu tư vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất, kinh doanh, giúp thoát nghèo bền vững.

Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn cho vay tạo việc làm nên thu nhập của người dân Võ Nhai từng bước nâng cao, số hộ nghèo toàn huyện năm 2023 giảm được 741 hộ so với năm 2022, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 12,06%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 7,8%...

Cung chưa đủ cầu

Mặc dù chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm đã thực sự mang lại hiệu quả, tạo ra nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống người dân, song hiện vẫn còn một bộ phận người dân trên địa bàn huyện Võ Nhai có nhu cầu vay nguồn vốn này nhưng chưa được đáp ứng.

Anh Bùi Huy Hảo, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn xóm Tân Thành, xã Tràng Xá, cho biết: Toàn xóm có 75 hộ, trong đó có 20 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo. Qua quá trình sử dụng vốn vay của Ngân hàng CSXH, một số hộ dân trong xóm đã vươn lên thoát nghèo. Để có tiền đầu tư phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững, bà con trong xóm mong muốn được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm. Trong tổng số gần 60 hộ được vay vốn tín dụng chính sách của xóm, mới có 8 hộ được tiếp cận nguồn vốn này.

Còn anh Nông Quý Hợi, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn xóm Đồng Mới, xã Phú Thượng, cho hay: Trong vòng 5 năm trở lại đây, bà con trong xóm tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Đơn cử như với cây ổi, hiện cho thu hoạch trung bình 40kg/năm, với giá bán trung bình 15 nghìn đồng/kg, 1 sào trồng 36 cây, 1 năm bà con cũng thu được trên 21 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Bởi vậy, các tổ viên trong tổ vay vốn do tôi quản lý đều mong muốn được tiếp cận nguồn vốn này…

Qua rà soát, tổng hợp từ các xã thì nhu cầu vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm năm 2024 trên địa bàn huyện Võ Nhai là khoảng 40 tỷ đồng. Trong khi kế hoạch bố trí vốn cho chương trình này năm nay chỉ là 4,5 tỷ đồng. Đến nay, Ngân hàng đã thực hiện giải ngân đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Như vậy, nguồn vốn mới chỉ đáp ứng được khoảng 11% nhu cầu của người dân. Do hạn chế nguồn vốn nên hiện nay Ngân hàng CSXH huyện Võ Nhai đang dành ưu tiên cho lao động chưa có việc làm, nhất là lao động các xã: La Hiên, Phú Thượng, Lâu Thượng… để phát triển vùng cây ăn quả, chăn nuôi, hoặc phát triển dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Để từng bước đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, Ngân hàng CSXH huyện Võ Nhai đề nghị Ngân hàng CSXH tỉnh quan tâm bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách, nhất là chương trình cho vay giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu vốn vay của người lao động. Đồng thời mong muốn huyện Võ Nhai tiếp tục cân đối ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn ủy thác sang cho vay giải quyết việc làm…

Hiện chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm có mức vay tối đa là 100 triệu đồng đối với người lao động (trước đây là 50 triệu đồng); đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án (trước đây là 1 tỷ đồng). Thời hạn cho vay tối đa 120 tháng (trước đây là 60 tháng). Lãi suất vay vốn bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo.


Những thanh toán quốc tế Trang tạo cv xin việc chuyên nghiệp