Những ngày này, lãnh đạo huyện Phú Lương đang tập trung chỉ đạo phòng, ban chuyên môn của huyện phối hợp với Công ty TNHH Thái Hưng triển khai thực hiện các thủ tục về đất đai, môi trường, điểm đấu nối giao thông…, phấn đấu cuối tháng 9 sẽ khởi công Dự án Siêu thị Aloha Mall Phú Lương. Đây là một trong nhiều dự án được huyện thu hút đầu tư nhằm đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại - dịch vụ trên địa bàn.
Người dân mua hàng tại Siêu thị C-mart, thị trấn Đu (Phú Lương). Ảnh: Duy Phương |
Cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, thời gian qua, Phú Lương đã xây dựng, triển khai Đề án phát triển thương mại - dịch vụ giai đoạn 2021-2025. Sau hơn 4 năm, huyện đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Một trong những dự án, công trình nổi bật được huyện thu hút đầu tư nhằm phát triển hạ tầng thương mại - dịch vụ là Siêu thị Aloha Mall Phú Lương. Dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2023, do Công ty TNHH Thái Hưng làm chủ đầu tư; quy mô 2,4ha, tại tổ dân phố Tràng Học, thị trấn Đu.
Về kiến trúc, cùng với siêu thị tổng hợp là hệ thống văn phòng, kho lưu trữ, nhà công vụ, nhà để xe, đường giao thông nội bộ, sân, cây xanh, tiểu cảnh. Trong quá trình thực hiện Dự án, UBND huyện Phú Lương chỉ đạo phòng, ban, đơn vị chuyên môn và UBND thị trấn Đu tích cực phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định. Định kỳ, UBND huyện tổ chức các rà soát, đánh giá tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện bảo đảm tiến độ.
Với sự hỗ trợ tích cực của địa phương, ngày 8/7/2024, UBND tỉnh đã ban hành quyết định cho phép Công ty TNHH Thái Hưng được chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích trên 13.460m2 tại thị trấn Đu (đã được Công ty TNHH Thái Hưng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các hộ gia đình và cá nhân) từ đất sản xuất nông nghiệp sang đất thương mại - dịch vụ.
Trong cuộc làm việc với chủ đầu tư gần đây, đồng chí Nguyễn Hoàng Mác, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, đề nghị nhà đầu tư chủ động, phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đất đai, đánh giá tác động môi trường, đấu nối giao thông, cấp phép phòng cháy chữa cháy... để tổ chức khởi công dự kiến trong tháng 9-2024. Đồng chí cũng khẳng định, dự án vào hoạt động, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội trên địa bàn, thúc đẩy giao thương hàng hóa, góp phần để Phú Lương đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhờ làm tốt công tác thu hút đầu tư vào hạ tầng thương mại, đến nay, trên địa bàn huyện Phú Lương có 4 siêu thị chuyên doanh đang hoạt động, gồm siêu thị điện máy ở thị trấn Đu, thị trấn Giang Tiên, xã Cổ Lũng và Siêu thị C'Mart Phú Lương. Cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ, huyện đặc biệt quan tâm đầu tư hạ tầng chợ nông thôn. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất nhằm kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông lâm nghiệp địa phương.
Xã Yên Đổ là một trong những địa phương phát triển mạnh về thương mại - dịch vụ ở huyện Phú Lương. Ảnh: V.D |
Trên địa bàn huyện Phú Lương hiện có 12 chợ, trong đó có 1 chợ hạng 2 (chợ Đu) và 11 chợ hạng 3 với tổng số gần 1.500 hộ kinh doanh. Ngoài khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, trong Đề án phát triển thương mại của huyện đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 xây dựng xong chợ Đu, chợ Phấn Mễ, xây dựng mới chợ Phủ Lý, Yên Trạch. Giai đoạn 2021-2024, UBND huyện Phú Lương đã bố trí 5,47 tỷ đồng đầu tư xây dựng, cải tạo các chợ Giang Tiên, Yên Lạc, Yên Ninh, Yên Trạch, chuẩn bị cải tạo chợ Tức Tranh.
Nhiều tiểu thương và bà con nhân dân xã Yên Trạch phấn khởi vì dự án đầu tư nâng cấp chợ của xã hoàn thành đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ngoài đình chợ, các hạng mục khác cũng được đầu tư như: nhà vệ sinh, hàng rào, rãnh thoát nước, sân bê tông, đường nội bộ… Công trình hoàn thành không chỉ đáp ứng nhu cầu kinh doanh của trên 80 tiểu thương, mà còn thúc đẩy việc mua, bán của nhân dân quanh vùng.
Bà Nguyễn Thị Hồi, Trưởng Ban Quản lý chợ Yên Trạch, phấn khởi nói: Nhân dân xã Yên Trạch chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm chủ lực ở địa phương là cây chè, một số hộ trồng dược liệu, có Tổ hợp tác sản xuất lúa nếp vải. Trước đây, chợ Yên Trạch xuống cấp, nhiều tiểu thương ở các xã khác không sang đây mua bán. Từ khi chợ được đầu tư xây mới sạch, đẹp, việc thông thương hàng hóa của bà con thuận lợi hơn. Chợ duy trì họp theo phiên vào ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 hằng tháng.
Với hạ tầng thương mại được quan tâm thu hút đầu tư đã có tác động tích cực đến tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu từ dịch vụ trên địa bàn. Theo thống kê của huyện Phú Lương, năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 2.408,7 tỷ đồng, tăng 641,9 tỷ đồng so với năm 2021. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 14,29%, đạt tiến độ của đề án đề ra. Sức mua bình quân đầu người năm 2023 đạt 22,67 triệu đồng/người/năm, tăng 5,76 triệu đồng/người/năm so với năm 2021 và bằng 107% kế hoạch.
“Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại, trong thời gian tới, Phú Lương định hướng điều chỉnh quy hoạch, hướng tới một số chợ khu vực đô thị có nhiều giao dịch sẽ đấu giá quyền sử dụng đất để mời gọi nhà đầu tư phát triển trung tâm thương mại, siêu thị. Đối với các chợ khu vực nông thôn trong khi nhà đầu tư chưa quan tâm, huyện bố trí ngân sách để duy trì hoạt động, bảo đảm yêu cầu sinh hoạt của người dân”- ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, chia sẻ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin