Quản lý nhãn hiệu tập thể - Nâng tầm giá trị “Chè Thái Nguyên” (bài 1): Nhân tố quan trọng phát triển thương hiệu

Nguyễn Nguyên - Lưu Phượng 10:50, 19/09/2024

Từ lợi thế về điều kiện tự nhiên và truyền thống canh tác của người dân, chè Thái Nguyên từ lâu đã trở thành đặc sản danh tiếng gần xa. Để chè trở thành sản phẩm có thương hiệu mạnh, tỉnh đã quan tâm quy hoạch, phát triển vùng sản xuất, tăng cường quảng bá thương hiệu; đồng thời tạo hành lang khuyến khích, bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhất là nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm chè. Từ đó xây dựng sản phẩm, thương hiệu “Chè Thái Nguyên” có uy tín trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.

Xóm Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương) là vùng chè hữu cơ đầu tiên và hiện có diện tích chè hữu cơ, chè trung du lớn nhất tỉnh.
Xóm Khe Cốc (xã Tức Tranh, Phú Lương) là vùng chè hữu cơ đầu tiên và hiện có diện tích chè hữu cơ, chè trung du lớn nhất tỉnh.

Chè được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có tiềm năng, thế mạnh đặc biệt của Thái Nguyên và hiện dẫn đầu về diện tích trong 44 tỉnh trồng chè của cả nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng trong xây thương hiệu sản phẩm, những năm qua, cùng với tập trung phát triển sản xuất, việc xây dựng, phát triển, bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chè ngày càng được các đơn vị và chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện.

Xây dựng các vùng chè tập trung

Chúng tôi có mặt tại xóm Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương) - một trong những vùng chè hữu cơ của tỉnh, vào buổi sớm mai, khi những giọt sương còn đọng trên lá. Từ những búp chè xanh non mơn mởn, người dân nơi đây đã chế biến thành những sản phẩm chè đặc sắc. Ông Tô Văn Khiêm, Giám đốc HTX chè an toàn Khe Cốc, cho biết: Vùng chè Khe Cốc có tổng diện tích 260ha, 100% sản xuất hữu cơ, trong đó còn giữ được 130ha chè trung du lá nhỏ. HTX đang sản xuất và đưa ra thị trường hơn 10 dòng sản phẩm trà khác nhau như: Trà đinh, trà tôm nõn, trà móc câu, matcha trà xanh, túi lọc...; có 2 sản phẩm OCOP 4 sao và 3 sản phẩm OCOP 3 sao.

Rời Khe Cốc, chúng tôi đến vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên). Đây là vùng chè duy nhất của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương, với diện tích khoảng 1.500ha. Nhờ điều kiện khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng phù hợp và kỹ thuật trồng, chăm sóc của người dân nên Tân Cương luôn là vùng chè đứng đầu trong việc trồng, chăm sóc, chế biến để tạo ra những sản phẩm nổi tiếng, sức cạnh tranh cao hơn các vùng chè khác.

Để tránh việc bị làm giả nhãn mác, Hợp tác xã trà Sơn Dung đặt làm bao bì tại các nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế, nổi tiếng.
Để tránh việc bị làm giả nhãn mác, Hợp tác xã trà Sơn Dung đặt làm bao bì tại các nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: T.L

Cây chè đã được người dân trồng ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. Cùng với Khe Cốc, Tân Cương, Thái Nguyên còn có 2 vùng chè nổi tiếng tạo nên “Tứ đại danh trà” là La Bằng (Đại Từ) và Trại Cài, Minh Lập (Đồng Hỷ). Đây là các vùng nguyên liệu chính để sản xuất ra những sản phẩm chè đặc sản nổi tiếng và đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, NHTT. Việc hình thành và phát triển các vùng chè đã tạo vùng nguyên liệu tập trung, giúp chủ thể sản xuất, kinh doanh có thể mạnh dạn nhận đơn hàng lớn, giá trị cao; thu hút các đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm vẻ đẹp, nét văn hóa của Thái Nguyên...

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 23.000ha chè (cơ bản đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, đề ra là 23.500ha). Sản lượng chè búp tươi đạt trên 267.500 nghìn tấn/năm (đạt 97% Nghị quyết), giá trị sản phẩm sau chế biến đạt 12.300 tỷ đồng/năm.

Phát triển thương hiệu gắn với nhãn hiệu tập thể

“Chè Thái Nguyên” đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, mang lại danh tiếng cho Thái Nguyên trên thị trường trong nước và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Điều đó khẳng định vai trò của việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể (NHTT) chè Thái Nguyên trong xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường.

Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống chè, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất gắn với chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chè.

Đến nay, toàn tỉnh có 5.148ha chè được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ (trong đó, chứng nhận VietGAP là 5.068ha, hữu cơ là 80ha), chiếm gần 23% diện tích chè toàn tỉnh. Tỉnh đang hướng dẫn, quản lý, giám sát 45 mã vùng trồng chè (25 mã xuất khẩu và 20 mã nội tiêu) được gắn định vị trên hệ thống toàn cầu GPS để thực hiện theo dõi truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tuân thủ tốt các tiêu chí theo quy định. Nhiều đơn vị sử dụng đồng thời logo, NHTT chè Thái Nguyên, NHTT địa phương, xếp hạng OCOP cấp tỉnh 3 sao, 4 sao và 5 sao, tên đơn vị mình.

HTX chè La Bằng ứng dụng thiết bị công nghệ công nghệ cao trong chế biến chè.
HTX chè La Bằng ứng dụng thiết bị công nghệ cao trong chế biến chè.

Theo ông Đinh Bộ Sơn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: NHTT chè Thái Nguyên được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa năm 2006; đến năm 2016 NHTT chè Thái Nguyên tiếp tục được gia hạn 10 năm. Đây là sản phẩm đặc sản đầu tiên của tỉnh được bảo hộ NHTT. Đặc biệt, từ năm 2022, NHTT chè Thái Nguyên đã được bảo hộ tại 6 quốc gia, vùng lãnh thổ (Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc). Qua đó khẳng định vững chắc về uy tín, chất lượng, danh tiếng và giá trị của chè Thái Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở ra cơ hội để chè Thái Nguyên tiêu thụ tốt trên thị trường quốc tế.

Việc sử dụng NHTT chè Thái Nguyên và các loại sở hữu trí tuệ khác đối với sản phẩm chè đã chứng minh chất lượng và uy tín, cũng như phân biệt sản phẩm của các chủ thể, HTX sản xuất chè với các sản phẩm chè khác trên thị trường. Từ đó giúp cho các đơn vị nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng cơ hội phát triển thị phần trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài.

Chè Thái Nguyên “vươn tầm” thế giới

Với mục tiêu đưa thương hiệu “Chè Thái Nguyên” vươn xa, tỉnh đã có nhiều hoạt động thúc đẩy liên kết, xúc tiến thương mại, đầu tư trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh sản phẩm trà. Sở Công Thương là đầu mối tổ chức các đoàn công tác của tỉnh đi nghiên cứu, khảo sát thị trường nước ngoài thông qua các hội thảo, hội chợ triển lãm, kết nối giao thương, tạo tiền đề cho việc mở rộng xuất khẩu sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương sang các thị trường tiềm năng.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ trao Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” cho Hội Nông dân tỉnh. Ảnh: T.L
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ trao Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” cho Hội Nông dân tỉnh. Ảnh: T.L

Đặc biệt năm 2023, UBND tỉnh Thái Nguyên và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã ký kết hợp tác toàn diện giai đoạn 2023-2027, mở ra cơ hội hợp tác, phát triển xúc tiến du lịch, đầu tư thương mại và hàng không. Hiện, Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Tân Cương Xanh là nhà cung cấp chè Thái Nguyên trên các chuyến bay của Vietnam Airline và đã xuất những lô hàng sang Anh.

Tính đến nay, sản phẩm chè Thái Nguyên đã có mặt tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan, Anh, Pakistan… Mỗi năm, chè Thái Nguyên được xuất khẩu khoảng 10% sản lượng, với giá từ 1.500-2.000 USD/tấn.

 

Chị Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chè Hà Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè tỉnh, là một trong những doanh nhân luôn trăn trở với việc đưa chè Thái Nguyên xuất khẩu ra thế giới. Với tình yêu, sự say mê, tâm huyết với cây chè, chị đã dẫn dắt Công ty giành được nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có giải Bạc tại Cuộc thi chè quốc tế Bắc Mỹ năm 2016 với sản phẩm chè tôm nõn. Đến nay, Công ty đã cho ra đời hơn 30 sản phẩm chè hữu cơ các loại, trong đó có nhiều sản phẩm độc đáo (như chè Đoan Ngọ, chè tôm, chè nõn, Phúc Bát Tiên...).

Chị Hiền chia sẻ: Tôi luôn ấp ủ việc xây dựng quy trình sản xuất chè hữu cơ theo công nghệ GAP của Nhật Bản hoặc EURO với vùng nguyên liệu hiện có là 80ha, sau đó sẽ mở rộng lên trên 200ha….

(Còn nữa)