Quản lý nhãn hiệu tập thể - Nâng tầm giá trị “Chè Thái Nguyên” (bài 3): Làm gì để phát triển nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”?

Thảo Nguyên - Lưu Phượng 17:17, 21/09/2024

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT) "Chè Thái Nguyên" - “tấm giấy thông hành” đầu tiên để sản phẩm chè đến với những thị trường có tiềm năng xuất khẩu - là đòi hỏi cấp thiết. NHTT mang tính cộng đồng, nếu không có sự đồng lòng quản lý, duy trì thì khó phát huy hiệu quả. Do đó, để quản lý và phát triển NHTT "Chè Thái Nguyên" cần sự vào cuộc mạnh mẽ với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả của các ngành, địa phương và chính người sử dụng NHTT... 

Các thành viên HTX chè La Bằng (Đại Từ) thu hái chè hữu cơ
Các thành viên HTX chè La Bằng (Đại Từ) thu hái chè hữu cơ.

Cần tháo gỡ vướng mắc

Thực tế thời gian qua cho thấy, chủ sở hữu cùng các sở, ngành, địa phương trong tỉnh còn lúng túng và gặp nhiều khó khăn trong quản lý, phát triển NHTT “Chè Thái Nguyên”. Điều này xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đó là trong một thời gian dài, hệ thống văn bản quản lý trong lĩnh vực này chưa đồng bộ, khoa học.

Theo bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè Thái Nguyên, bộ 4 quyết định (gồm Quyết định số 41, 42, 43, 44 ngày 6/12/2010 của UBND tỉnh) về quy chế, quy định về quản lý NHTT “Chè Thái Nguyên” được ban hành từ lâu, không còn phù hợp, thiếu nhiều nội dung trong công tác quản lý, chế tài xử phạt vi phạm, chưa có quy định thống nhất về in ấn và nhận diện sản phẩm chè trên bao bì... 

 

Ông Ngô Thế Hoàn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh (đơn vị được giao là chủ sở hữu NHTT “Chè Thái Nguyên”), cho rằng: Công tác quản lý, phát triển, phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành thanh, kiểm tra tình trạng vi phạm về sử dụng NHTT cũng gặp khó khăn. Bởi Quy chế hoạt động cũ chưa thể hiện rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ sở hữu. Ban Quản lý hoạt động chế độ kiêm nhiệm; không có kinh phí nên khó thu hút cán bộ có chuyên môn để thẩm định, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân đăng ký NHTT “Chè Thái Nguyên”...

Mặc dù Cục Quản lý thị trường đã phát hiện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm chè, tuy nhiên việc xử lý vi phạm mới chỉ dừng lại đối với các sản phẩm đã được bao gói sẵn và đưa ra thị trường, chứ chưa siết chặt quản lý việc buôn bán, in bao bì, nhãn mác.

Hơn nữa, số vụ được phát hiện, xử lý vi phạm quá ít (từ tháng 10-2018 đến nay, đơn vị này mới kiểm tra xử lý 5 vụ vi phạm về mặt hàng chè, số tiền xử phạt 28 triệu đồng), với các hành vi chủ yếu về bảo hộ lao động với người sản xuất, không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan có thẩm quyền... Điều này chưa thật sự mang tính răn đe để ngăn chặn kịp thời những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ và vi phạm bảo hộ NHTT.

Vườn chè canh tác theo hướng hữu cơ của gia đình anh Lý Văn Tư, Tổ trưởng Tổ hợp tác chè Vân Tư, xã Minh Lập (Đồng Hỷ).
Vườn chè canh tác theo hướng hữu cơ của gia đình anh Lý Văn Tư, Tổ trưởng Tổ hợp tác chè Vân Tư, xã Minh Lập (Đồng Hỷ).

Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ 

Từ những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý bảo hộ NHTT "Chè Thái Nguyên", đơn vị chủ sở hữu và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và người dân trong việc xây dựng, khai thác, phát huy giá trị sản phẩm đã được bảo hộ.

Mới đây, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành Quyết định số 19/2024/QĐ-UBND ngày 18/7/2024 về việc bãi bỏ toàn bộ 4 quyết định trước đây trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành Quy chế quản lý, sử dụng NHTT “Chè Thái Nguyên” trên cơ sở kế thừa các văn bản trước đây và bổ sung, chỉnh sửa nội dung cho phù hợp nhằm cụ thể hóa việc quản lý, phát triển NHTT "Chè Thái Nguyên".

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh cần được giao quyền đi liền với cơ chế về tài chính, nhân lực để phát huy tốt vai trò đơn vị đầu mối. Từ đó, Hội xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị của thương hiệu, NHTT "Chè Thái Nguyên"; phối hợp với các đơn vị thanh kiểm tra, giám sát, phổ biến các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ cũng như hướng dẫn tổ chức, cá nhân đăng ký, sử dụng hiệu quả NHTT "Chè Thái Nguyên"...

 

Tiến sĩ Vũ Quỳnh Nam, giảng viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên, chuyên gia nghiên cứu về chè, cho rằng: Cùng với vai trò quan trọng của đơn vị chủ sở hữu, việc quản lý và phát triển NHTT "Chè Thái Nguyên" cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương trong việc nâng cao nhận thức đối với cán bộ và chủ thể, người dân về tầm quan trọng của NHTT. Làm thế nào để họ thấy mình được hưởng những quyền lợi và nêu cao trách nhiệm khi được cấp quyền sử dụng NHTT...

Các đơn vị cũng cần “bắt chặt tay” để đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực về quản trị và phát triển thương hiệu, thương mại sản phẩm, về quyền sở hữu trí tuệ, nhất là bảo hộ NHTT "Chè Thái Nguyên" cho các chủ thể sản xuất, cán bộ phụ trách. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm hành vi vi phạm bảo hộ quyển sở hữu trí tuệ sử dụng NHTT, vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ hay giả mạo NHTT "Chè Thái Nguyên". Qua đó hạn chế, ngăn chặn những tập thể, cá nhân có hành vi gây ảnh hưởng đến quyền lợi, uy tín của các đơn vị sản xuất, kinh doanh chè chân chính trên địa bàn tỉnh.

Về vấn đề này, GS.TS Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Nông nghiệp hữu cơ Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, đề xuất: Cần thiết xây dựng Bộ nhận diện "Chè Thái Nguyên" bằng “Công nghệ số” (tem đặc biệt) độc quyền đối với các cơ sở đăng ký chế biến, đóng gói nhằm truy xuất nguồn gốc, xác nhận chính xác sản phẩm khi tiêu thụ trên thị trường. Như vậy sẽ hạn chế được tình trạng lạm dụng thương hiệu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, dễ dàng hơn trong công tác quản lý...

Khu trưng bày sản phẩm chè của HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ Seamaul, xã Phú Đô (Phú Lương)
Khu trưng bày sản phẩm chè của HTX nông nghiệp, thương mại dịch vụ Seamaul, xã Phú Đô (Phú Lương).

Tạo đột phá để nhãn hiệu “cất cánh”

Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp chế biến chè trong tỉnh đều không chủ động được vùng nguyên liệu, cộng với sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo hộ gia đình nên chưa đáp ứng được yêu cầu của các bạn hàng lớn từ nước ngoài, sản lượng chè xuất khẩu thấp.

Ông Tô Văn Khiêm, Giám đốc HTX chè an toàn Khe Cốc (Phú Lương), bày tỏ: Chất lượng sản phẩm của HTX chè Khe Cốc hoàn toàn đáp ứng các thị trường khó tính, song vùng nguyên liệu chè hữu cơ còn nhỏ. Năm 2022, có doanh nghiệp nước ngoài đặt hàng 100 tấn chè khô mà chúng tôi đành từ chối vì chưa đáp ứng được số lượng...

Trong khi đó, việc mở rộng diện tích chè hiện nay gặp khó khăn do một số nơi bị thu hẹp để thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, đô thị; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là trồng chè trên đất lúa bị vướng do quy định của Luật Đất đai và các văn bản liên quan; doanh nghiệp, chủ thể dù được hỗ trợ song vẫn vướng những rào cản nhất định... 

Để giải quyết vấn đề này, Thái Nguyên cần nghiên cứu sớm thực hiện việc tích tụ đất đai, tạo cơ chế giao đất cho doanh nghiệp xây dựng vùng chuyên canh chè (phù hợp với những nội dung trong Luật Đất đai 2024); bảo đảm kiểm soát chặt chẽ từ khâu cây giống, phân bón, khoa học - công nghệ cũng như hỗ trợ vốn, ưu đãi về thuế nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. 

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, tăng cường hoạt động hỗ trợ HTX, doanh nghiệp chè xây dựng thương hiệu, phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ, đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử; đồng thời truy xuất nguồn gốc, thiết kế mẫu mã, bao bì cho sản phẩm.

Bên cạnh đó là cần hình thành liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè, xúc tiến thương mại, định hướng xuất khẩu chè. Đặc biệt, bản thân các chủ thể sản xuất cần tự nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần phát triển thương hiệu "Chè Thái Nguyên" trên thị trường trong nước và quốc tế.