Từ quý III/2024, các nhà máy thủy điện được tập trung huy động công suất phát điện đã và đang làm ảnh hưởng chung đến hoạt động sản xuất của các nhà máy nhiệt điện tại nhiều tỉnh, thành, trong đó có Thái Nguyên. Cùng với khó khăn về thị trường phát điện, sản lượng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện cung cấp cho sản xuất vật liệu xây dựng cũng bị sụt giảm đáng kể, dẫn đến tồn kho tăng cao.
Công nhân Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn vận hành hệ thống. |
Toàn tỉnh có 2 đơn vị hoạt động sản xuất điện theo hình thức nhiệt điện gồm: Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn (Tổng Công ty Điện lực - TKV) ở phường Quang Vinh, TP. Thái Nguyên và Công ty CP Nhiệt điện An Khánh ở xã An Khánh, huyện Đại Từ, đều có công suất thiết kế 115MW.
Theo đánh giá chung của các đơn vị, trong 6 tháng đầu năm nay, sản xuất điện tương đối thuận lợi, các chỉ tiêu sản xuất cơ bản hoàn thành và vượt so với kế hoạch nên hoạt động có lãi. Đơn cử như Công ty CP Nhiệt điện An Khánh, 6 tháng đầu năm, doanh thu thương mại dịch vụ đạt 1.200 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, nộp ngân sách nhà nước 3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch...
Tuy nhiên, từ quý III/2024 đến nay, các nhà máy thủy điện được Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia tập trung huy động công suất phát điện đã và đang làm ảnh hưởng đến công suất phát điện của các nhà máy nhiệt điện nói trên. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn, cho biết: Nếu như trong 6 tháng đầu năm, toàn bộ 2 tổ máy của Nhà máy hoạt động với công suất tối đa và liên tục thì từ tháng 7 đến nay chỉ đạt 30- 50% công suất thiết kế. Sản lượng điện phát trong 6 tháng đầu năm đạt từ 75-80 triệu Kwh/tháng, nhưng từ đầu quý III trở đi chỉ đạt tối đa 50 triệu Kwh/tháng (giảm hơn 20 triệu Kwh/tháng so với cùng kỳ năm trước).
Theo báo cáo của ngành chức năng, trong 7 tháng qua, sản lượng điện sản xuất trên toàn tỉnh đạt 90 triệu Kwh, giảm 12,4% so với tháng trước và giảm 29,6% so với cùng kỳ. Sở dĩ có thực trạng này là do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều nên Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia tập trung huy động phát điện từ các nhà máy thủy điện. Ngoài ra, các nhà máy thủy điện được ưu tiên phát do có giá thành sản xuất thấp hơn nhiệt điện.
Để thích ứng với khó khăn trên, các nhà máy sản xuất nhiệt điện trên địa bàn tỉnh đang phải điều tiết công suất hoạt động như sửa chữa, bảo dưỡng luân phiên các tổ máy...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài khó khăn trong phát điện, các nhà máy nhiệt điện của tỉnh còn đang gặp khó khăn tiêu thụ tro xỉ. Nguyên nhân là do tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện của tỉnh chủ yếu cung cấp làm nguyên, phụ liệu phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, vật liêu san lấp mặt bằng, song từ đầu năm đến nay, thị trường xây dựng trầm lắng, cộng với thị trường bất động sản chưa phục hồi rõ nét khiến cho tiêu thụ tro xỉ giảm 50-60% so với thông thường, dẫn đến tồn kho tăng cao. Điều này cũng khiến các nhà máy nhiệt điện đang đứng trước “bài toán” tìm đầu ra và kho chứa tro xỉ nhiệt điện.
Điểm sáng đáng ghi nhận của các doanh nghiệp sản xuất nhiệt điện là mặc dù hoạt động sản xuất - kinh doanh khó khăn nhưng các đơn vị vẫn duy trì ổn định việc làm cho người lao động. Anh Nguyễn Hữu Hải, làm việc tại bộ phận lò máy của Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn, chia sẻ: Công ty vẫn bố trí sắp xếp cho người lao động làm việc đủ ngày công và bảo đảm thu nhập. Hiện nay, thu nhập của tôi là 14 triệu đồng/tháng và được đóng đủ các loại bảo hiểm theo quy định của Nhà nước.
Trước những khó khăn kể trên, để hoàn thành kế hoạch về sản lượng phát điện năm nay, các doanh nghiệp sản xuất nhiệt điện đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp về tiết kiệm chi phí để hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh về giá bán điện trên thị trường.
Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực tự thân, các doanh nghiệp cũng đề nghị Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cân đối, điều chỉnh tăng công suất phát điện của các nhà máy nhiệt điện. Đối với khó khăn về tiêu thụ tro xỉ, các doanh nghiệp mong muốn ngành chức năng có giải pháp vĩ mô về khơi thông thị trường xây dựng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin