Nắng mùa Thu như trải mật trên những nương chè ngát xanh, gió vi vút thổi đưa hương chè thơm mùi nắng mai khiến tâm hồn được nới lỏng, thảnh thơi “vờn nghịch” những búp chè non mỡn, mỡ màng. Bức tranh quê thanh bình và hữu tình, khiến ai dù chỉ một lần đặt chân đến những vùng chè nổi tiếng của huyện Đại Từ đều không nỡ rời chân…
Một góc đồi chè xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông (Đại Từ). |
Chè “tham gia” làm du lịch
Đứng trên đỉnh đồi chè xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông (Đại Từ), có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng không gian bao la, rộng lớn, ngước lên là nền trời xanh thẳm, mây trắng lảng bảng bay, dưới là thảm chè xanh mướt mát như nhung, óng ánh như mạ vàng khi mặt trời chiếu rọi lên những giọt sương sớm long lanh đậu trên búp chè.
Để đón đợi, chiêm ngưỡng những khoảng khắc này, chúng tôi đã phải dậy rất sớm, vượt hơn 30km từ TP. Thái Nguyên lên với Hoàng Nông - một trong những địa phương của huyện Đại Từ không chỉ nổi tiếng bởi thức uống từ chè mà còn có phong cảnh hữu tình mê hoặc lòng người từ những đồi chè bát úp, những con suối, mặt hồ trong xanh… Nhiều du khách từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh đã tìm đến Hoàng Nông để du lịch, píc-níc, nghỉ dưỡng, tham gia trải nghiệm thu hái, sản xuất chè cùng bà con nơi đây.
Anh Nguyễn Văn Dũng, ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết: Trước kia, tôi từng học đại học ở Thái Nguyên nên có khá nhiều bạn bè, những ngày nghỉ lễ, các bạn thường mời tôi lên Thái Nguyên chơi. Lần này, chúng tôi chọn Hoàng Nông là điểm đến, thật là một sự lựa chọn tuyệt vời. Chúng tôi ngắm đồi chè vào buổi sớm, sau đó đi tắm suối Cửa Tử, rồi cùng nhau nướng thịt, tổ chức ăn uống, ca hát bên bờ suối… Dự định tiếp theo, chúng tôi sẽ tham gia một buổi trải nghiệm thu hái, sao sấy chè cùng một gia đình ở xóm Cầu Đá.
Không chỉ có Hoàng Nông mới mang lại cho du khách những phút giây thư giãn thú vị, vui vẻ bên người thân, bạn bè mà đến với những địa danh như Tiên Hội, Bản Ngoại, La Bằng, Phú Xuyên, Yên Lãng, Phú Thịnh, Phú Cường, Minh Tiến… du khách cũng được hòa mình vào thiên nhiên, được sải bước bên những đồi chè bát úp, những nương chè trải rộng ngút tầm mắt, được người nông dân chăm bón kỹ càng, cẩn thận.
Từ lâu, cây chè đã là một trong những cây kinh tế mũi nhọn của huyện Đại Từ, không chỉ giúp người làm chè thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu; giờ đây, nhằm giúp hương chè Đại Từ ngày càng bay xa, huyện Đại Từ đã tích cực xúc tiến các hoạt động liên doanh, liên kết trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè gắn với phát triển du lịch.
Các “nhà” cùng hợp tác
Đến hẹn lại lên, cứ 2 năm 1 lần, huyện Đại Từ lại tổ chức Lễ hội Trà với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, như: Tổ chức thi gian hàng và trình diễn nghệ thuật pha trà; trưng bày ảnh đẹp; không gian thưởng trà; tổ chức Hội thi “Bàn tay vàng chế biến chè”… Đặc biệt, năm 2024, Lễ hội Trà Đại Từ có thêm điểm mới là huyện đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao giá trị cây chè và sản phẩm trà gắn với phát triển du lịch”, với sự tham dự của các nhà quản lý; nhà khoa học; nghệ nhân sản xuất, chế biến chè; nghệ nhân pha trà; người có chuyên môn am hiểu, nghiên cứu về cây chè và sản phẩm trà...
Người dân xóm Hòa Tiến 2, xã Minh Tiến (Đại Từ), thu hái chè. |
Tại Hội thảo, đại diện đại biểu đã sôi nổi trao đổi, thảo luận, nhằm đưa ra những giải pháp nâng cao giá trị cây chè và các sản phẩm trà gắn với phát triển du lịch ở địa phương, như: Chuyển đổi cơ cấu giống chè chất lượng; bảo tồn giống chè trung du; sản xuất chè an toàn, hữu cơ để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, an toàn; đầu ra cho sản phẩm trà của các hợp tác xã; sản xuất chè theo chuỗi; đa dạng hoá sản phẩm trà; phát triển các sản phẩm trà gắn với du lịch…
Đại Từ là vùng đất có điều kiện thuận lợi về đất đai, thời tiết, khí hậu... phù hợp cho sự phát triển cây chè. Với diện tích chè lớn nhất tỉnh Thái Nguyên và đứng thứ 2 so với các huyện trong cả nước (hơn 6.500ha), cây chè được địa phương xác định là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Nghị quyết Đại hội Đại biểu đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định “Đẩy mạnh phát triển cây chè, phát triển nông nghiệp chất lượng cao là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2020 - 2025”…
Để nghị quyết đi vào cuộc sống, bên cạnh việc quy hoạch vùng nguyên liệu, với chính sách hỗ trợ 100% giá giống chè, địa phương đã chỉ đạo trồng mới, trồng thay thế các giống chè cũ năng suất, chất lượng thấp bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao (chủ yếu là các giống chè lai), nâng tổng diện tích trồng chè giống mới của huyện lên 5.300ha (chiếm 80% diện tích).
Việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất chè cũng luôn được các cấp, ngành và người làm chè trong huyện quan tâm; công tác tập huấn, chuyển giao khoa học - công nghệ được thực hiện thường xuyên, liên tục; việc hỗ trợ sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, cấp mã số vùng trồng, lắp đặt hệ thống tưới chè tiết kiệm được thực hiện hiệu quả.
Diện tích chè toàn huyện được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm đến nay là trên 1.500ha; diện tích sản xuất chè Đông trên 1.600ha; diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP là 1.836ha, chứng nhận hữu cơ là 15ha; 18 vùng nguyên liệu chè được cấp mã số vùng trồng... Nhờ đó, năng suất chè đạt gần 130tạ/ha; sản lượng chè búp tươi đạt hơn 80.000 tấn; giá trị chè hàng năm đạt trên 2.000 tỷ đồng; giá trị trên 1ha đất trồng chè đạt trên 400 triệu đồng/năm...
Đến nay, huyện Đại Từ có 53 làng nghề; 136 tổ hợp tác; 58 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, góp phần mang đến người tiêu dùng những sản phẩm trà chất lượng, mẫu mã đẹp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, các cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn đã tích cực, chủ động tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong việc cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản về thị trường thông qua công tác khuyến nông, khuyến công, các hoạt động xúc tiến thương mại như: Hội chợ triển lãm, Festival chè của tỉnh; Lễ hội Trà do huyện tổ chức...
Đến nay, đã có trên 10 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia website chè tích hợp hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm trà Thái Nguyên; 9 đơn vị lập được website riêng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trà; 40 sản phẩm trà được bán trên các sàn thương mại điện tử. Huyện đã có 22 sản phẩm trà được công nhận sản phẩm OCOP (trong đó có 15 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 7 sản phẩm đạt OCOP 4 sao)…
Đi giữa nương chè, dừng chân bên quán nhỏ, thưởng thức trà thơm với cốm nếp Vải trong tiết trời thu tháng Tám, thấy lòng mình khoan khoái, dẽ dịu đến lạ thường… Có lẽ, trong chén trà thơm, người làm chè đã ấp ủ, gửi gắm vào đó cả hương tình nên mới làm đắm say lòng người đến thế...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin