Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm 2024. Mặc dù đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của cơn bão số 3, song với sự chủ động, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh; các ngành, địa phương nắm chắc tình hình thực tiễn, phân tích và tham mưu kịp thời các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển; tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) và người dân, toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024.
Khu công nghiệp Sông Công II đang tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh tăng trưởng nhanh. Ảnh: N.N |
Duy trì đà tăng trưởng
Năm 2024 được xác định là năm "nước rút", có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thành công các mục tiêu KT-XH của cả giai đoạn 2020-2025. Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,5%; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 8,5%; giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tăng 8%; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,5%...
Theo bà Hoàng Thị Hoa, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh: Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế nêu trên, công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng trên 58%, nông nghiệp chiếm trên 10%, còn lại là thuế, dịch vụ trợ cấp sản phẩm khoảng 31%. Yếu tố quyết định đến tốc độ tăng trưởng của tỉnh là lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm trên 80%.
Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, tỉnh đã thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp, giao thông trọng điểm. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các DN sản xuất công nghiệp lớn trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, văn minh; quan tâm phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế số...
Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, KT-XH trên địa bàn tỉnh 8 tháng năm 2024 tiếp tục phát triển theo hướng tích cực. Nhiều ngành kinh tế ước tính có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn trong tháng 8-2024 tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Tính chung 8 tháng năm 2024, IIP tăng 7,63% so với cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,79%; tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 20,25 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ, đạt 69,1% kế hoạch năm. Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt hai con số…
Khắc phục khó khăn, nhanh chóng khôi phục sản xuất
Do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, theo thống kê sơ bộ, tổng thiệt hại về KT-XH trên địa bàn tỉnh lên tới gần 860 tỷ đồng. Tỉnh đã và đang đẩy mạnh các hoạt động khắc phục hậu quả, đời sống nhân dân dần ổn định, mọi hoạt động trở lại bình thường.
Ngoài khó khăn do ảnh hưởng của bão lũ, nền kinh tế thế giới cũng như trong nước năm 2024 có nhiều khó khăn đan xen đã tác động khá lớn đến các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 37, khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025, tổ chức ngày 23-9, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trên tinh thần quyết liệt với nỗ lực cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Về giải pháp trong 3 tháng cuối năm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh vào 3 chỉ tiêu cần phải đặc biệt quan tâm, đó là: Tăng trưởng, thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công.
Ngay sau đợt mưa lũ gây ảnh hưởng nặng nề, bà con nông dân các địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp, trong đó có trồng rau màu. Ảnh: M.H |
Cụ thể hóa chỉ đạo của Tỉnh ủy, tại Phiên họp UBND tỉnh lần thứ 36, nhiệm kỳ 2021-2026, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo các ngành chủ động nắm chắc tình hình thực tiễn phát sinh, tăng cường phân tích, dự báo để kịp thời, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với những chỉ tiêu chưa hoàn thành. 3 tháng cuối năm, toàn tỉnh tăng tốc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, các ngành đã chủ động xây dựng kịch bản để nỗ lực hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra. Đồng chí Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương, nhấn mạnh: Sở tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung quán triệt, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; chủ động rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN. Đồng thời chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị, đặc biệt là Công ty Điện lực Thái Nguyên để rà soát nguồn cung cấp điện phục vụ hoạt động sản xuất của DN, nhất là DN trong các khu, cụm công nghiệp. Mặt khác, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến DN về thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA); phối hợp với cơ quan Hải quan nhằm kịp thời nắm bắt, tiếp nhận các vướng mắc để hỗ trợ DN tốt nhất trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Tiếp tục hỗ trợ các DN, hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để tìm kiếm, mở rộng thị trường…
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, phát biểu tại Phiên họp thứ 36 của UBND tỉnh, đồng chí Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, phân tích rõ những thiệt hại do bão số 3; đồng thời khẳng định Sở đã xây dựng phương án tăng trưởng giá trị nông, lâm nghiệp, thủy sản để chỉ đạo quyết liệt khôi phục sản xuất, bù đắp tối đa phần thiếu hụt giá trị sản xuất bị thiệt hại, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 3,5%.
Cùng với lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, các sở, ngành, địa phương đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, trong đó tập trung hoàn thiện các dự án xây dựng hạ tầng giao thông trọng điểm, mang tính liên vùng. Đồng thời rà soát các nguồn thu, nhất là thu tiền sử dụng đất, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu HĐND tỉnh giao thu cả năm là 19.515 tỷ đồng...
Thực tế cho thấy, để vượt khó "cán đích" các chỉ tiêu còn lại trong những tháng cuối năm nay là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Song với quyết tâm chính trị, sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh với giải pháp cụ thể đang được triển khai đồng bộ, hiệu quả, có thể tin tưởng Thái Nguyên sẽ hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024. Đây cũng là tiền đề để tỉnh thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch trong cả giai đoạn 2020-2025...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin