Nâng cao giá trị hạt gạo qua chế biến sâu

Vũ Công 08:42, 10/10/2024

Để nâng cao giá trị hạt gạo, thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm được chế biến sâu từ gạo. Qua đó nâng cao giá trị sản phẩm và tạo được chỗ đứng trên thị trường.

Người lao động tại HTX sản xuất và thương mại dịch vụ Bản Việt (ở xã Bảo Lý, huyện Phú Bình) đóng gói sản phẩm cơm cháy.
Người lao động tại HTX sản xuất và thương mại dịch vụ Bản Việt (ở xã Bảo Lý, huyện Phú Bình) đóng gói sản phẩm cơm cháy.

Năm 2023, tổng diện tích gieo cấy lúa 2 vụ trên địa bàn tỉnh đạt trên 67.000ha, sản lượng đạt gần 380.000 tấn. So với những sản phẩm gạo nổi tiếng trong cả nước, hiện nay, các sản phẩm gạo của tỉnh có mặt trên thị trường chưa nhiều. Tuy nhiên, các sản phẩm được chế biến sâu từ gạo trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện nhiều tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại. Để có được kết quả này, nhiều đơn vị, HTX đã chú trọng đầu tư sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sâu từ gạo.

Đơn cử như với HTX nông sản sạch Trung Lương, ở xã Trung Lương (Định Hóa), từ sản phẩm gạo Bao Thai đặc sản của địa phương, HTX đã kết hợp với các loại rau, củ, quả (như ngô, gấc, cẩm đỏ, cẩm tím, đậu biếc, chùm ngây) để cho ra sản phẩm bún ngũ sắc. Trung bình mỗi năm, HTX chế biến 4-5 tấn gạo Bao Thai và cung cấp ra thị trường từ 10-15 tấn bún ngũ sắc, mang lại thu nhập từ 400-600 triệu đồng.

Ông Hoàng Văn Hà, Giám đốc HTX nông sản sạch Trung Lương, cho biết: Trước đây, sản phẩm của HTX là gạo và bún trắng, chủ yếu bán cho những người quen biết và các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trong xã. Từ năm 2023, sau khi cho ra đời sản phẩm bún ngũ sắc và được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, thì sản phẩm của HTX đã có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường. Hiện nay, các sản phẩm của HTX chủ yếu được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng lớn. Chỉ tính riêng tại Trạm dừng nghỉ Hải Đăng (nằm trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên), trung bình HTX bán được gần 1 tấn sản phẩm/tháng.

Tương tư như sản phẩm bún ngũ sắc của HTX nông sản sạch Trung Lương, từ loại gạo nếp Thầu Dầu nổi tiếng của huyện Phú Bình, HTX sản xuất và thương mại dịch vụ Bản Việt (ở xã Bảo Lý) đã kết hợp với các loại nguyên liệu khác để sản xuất các sản phẩm: Cơm cháy gạo lứt, cơm cháy chay, cơm cháy chà bông. Các sản phẩm của HTX hiện đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao.

Chị Bùi Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX, chia sẻ: Hiện nay, trung bình mỗi tháng HTX chế biến từ 500-1.000kg gạo nếp Thầu Dầu (được thu mua tại các xã Úc Kỳ, Bảo Lý, Tân Khánh của huyện Phú Bình) để sản xuất các loại cơm cháy nêu trên. Cùng với việc bày bán tại cửa hàng chính của HTX ở TP. Thái Nguyên và bán hàng online thì các sản phẩm của HTX đã được bày bán tại một số siêu thị, trạm dừng nghỉ, cửa hàng nông sản trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã cho ra đời nhiều sản phẩm được chế biến sâu từ gạo. Trong đó, chỉ tính riêng các sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP thì các HTX này có 30 sản phẩm (chiếm 12,5% trong tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh), như bún, mỳ, rượu, các loại bánh truyền thống, tương nếp…

Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, chia sẻ: Từ nhu cầu của thị trường về các sản phẩm chế biến sâu từ gạo, những năm gần đây, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị để chế biến sâu các sản phẩm từ gạo. Để hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm, Liên minh HTX tăng cường phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng của tỉnh giúp các HTX đưa sản phẩm tham gia trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm ở nhiều địa phương trong cả nước. Nhờ đó các sản phẩm được chế biến từ gạo đã có chỗ đứng trên thị trường và được khách hàng tin dùng.

Có thể nói, việc phát triển các sản phẩm từ gạo là một hướng đi đúng đắn, không chỉ thúc đẩy nâng cao giá trị hàng hóa nông sản của tỉnh mà còn góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trong khi diện tích canh tác ngày càng bị thu hẹp… Đơn cử như năm 2023, giá trị sản phẩm thu được trên đất nông nghiệp trồng trọt của tỉnh bình quân đạt 128,7 triệu đồng/ha, tăng gần 19 triệu đồng so với năm 2020.


Từ khóa:

Nâng cao

giá trị

hạt gạo