Quỹ hỗ trợ nông dân: Kênh dẫn vốn hiệu quả, nhân văn

Lưu Phượng 09:06, 28/10/2024

Sau gần 10 năm (2015-2024), Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên được thành lập, đến nay, tổng nguồn vốn cho vay lũy kế, quay vòng của quỹ đã đạt trên 151 tỷ đồng, với 268 dự án cho 2.437 lượt hộ vay. Các dự án tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, đầu tư chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Với nhiều ưu đãi, điểm khác biệt so với các nguồn vốn tín dụng khác, nhất là về tính gắn kết cộng đồng, tương trợ lẫn nhau, kênh dẫn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân thể hiện tính nhân văn khi giúp hàng nghìn hội viên, nông dân có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Từ nguồn vốn cho vay và các hoạt động hỗ trợ đi kèm của Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều hội viên, nông dân trong tỉnh đã vươn lên phát triển sản xuất, xây dựng thành công các loại nông sản đặc trưng, hình thành liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: T.L
Từ nguồn vốn cho vay và các hoạt động hỗ trợ đi kèm của Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều hội viên, nông dân trong tỉnh đã vươn lên phát triển sản xuất, xây dựng thành công các loại nông sản đặc trưng, hình thành liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: T.L

Tạo “nền móng” để nông dân vươn lên

Những năm gần đây, xã Phú Cường (Đại Từ) là một trong những địa phương có nhiều chuyển biến trong sản xuất, chế biến chè. Từ chỗ chủ yếu xuất bán chè búp tươi cho thương lái, nhiều hộ trong xã đã mở xưởng chế biến chè tại nhà, liên kết với nhau để thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã (THT, HTX) chè nhằm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm. Sự thay đổi này bắt đầu từ việc người dân được tham gia vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh thông qua 2 dự án "Cải tạo, chăm sóc chè an toàn" (năm 2016) và "Chăm sóc, cải tạo chè an toàn” (năm 2022), với số vốn 400 triệu đồng/dự án.

Bà Nguyễn Thị Thắng, ở xóm Na Mấn, xã Phú Cường, phấn khởi nói: Trước đây, tôi chỉ làm 3-4 sào chè, rồi chủ yếu bán tươi, giá chỉ từ 30-40 nghìn đồng/kg. Đầu năm 2022, tôi là một trong 10 hộ được Hội Nông dân (HND) tỉnh xét duyệt cho vay 40 triệu đồng. Với số tiền này, tôi đã cải tạo quả đồi để trồng chè. Ngoài ra, tôi còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè, hỗ trợ phân bón hữu cơ... Đến nay, diện tích chè cho thu hái từ 7-9 lứa/năm, tôi tự chế biến, bán chè búp khô khoảng 50%, với giá từ 200-400 nghìn đồng/kg, nhờ vậy cuộc sống cải thiện hơn trước rất nhiều.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thắng (đứng thứ hai từ trái sang), ở xóm Na Mấn, xã Phú Cường (Đại Từ), là một trong những hộ được hỗ trợ vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc chè theo dự án Cải tạo, chăm sóc chè an toàn.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thắng (bà Thắng đứng thứ hai từ trái sang), ở xóm Na Mấn, xã Phú Cường, Đại Từ, là một trong những hộ được hỗ trợ vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc chè theo dự án "Cải tạo, chăm sóc chè an toàn".

Còn tại xã Úc Kỳ (Phú Bình), anh Dương Văn Duy, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ, chia sẻ: Nhờ nguồn vốn 60 triệu đồng được vay từ Quỹ HTND, tôi đã chỉnh trang lại cơ sở sản xuất, đầu tư làm bao bì, nhãn mác sản phẩm, mua thêm nguyên liệu... Tham gia dự án vay vốn, tôi cũng thường xuyên giới thiệu quảng bá, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đến nay, HTX có 3 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Trung bình mỗi tháng, HTX xuất bán ra thị trường được 1.000-1.200 lít tương và hơn 20 tấn gạo. Sản phẩm của HTX đã và đang tiêu thụ ổn định trong hệ thống cửa hàng trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Năm 2023, sản phẩm “Tương nếp Hồng Kỳ” được HND tỉnh tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu.

Tính đến tháng 6-2024, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh quản lý, xây dựng được là 62,5 tỷ đồng (trong đó, cấp Trung ương hơn 13,6 tỷ đồng, cấp tỉnh hơn 35 tỷ đồng, cấp huyện 13,5 tỷ đồng). Hiện mức cho vay theo dự án nhóm, hộ đạt từ 400 triệu đến 1 tỷ đồng (mức bình quân 700 triệu đồng/dự án, 70 triệu đồng/hộ). Thời gian vay tối đa 36 tháng, mức thu phí cho vay là 0,7%/tháng (8,4%/năm).

Ông Lê Đàm Ngọc, Phó Trưởng Ban Điều hành Quỹ HTND (HND tỉnh), cho biết: Thông qua các dự án, chi tổ hội nghề nghiệp được xây dựng từ việc vay vốn Quỹ HTND đã gắn kết nông dân với nhau, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt hội, thúc đẩy phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững”; tạo nền móng vững chắc để thành lập THT, HTX nông nghiệp, liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, hình thành vùng sản xuất tập trung. Ngày càng nhiều dự án phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn có giá trị kinh tế cao. Riêng năm 2023, thông qua hoạt động của Quỹ HTND, các cấp hội đã hướng dẫn thành lập mới được 15 tổ hợp tác và 32 HTX, kết nạp mới được 3.200 hội viên...

Giải bài toán "khát vốn"

Điểm khác biệt của Quỹ HTND là không vì mục tiêu lợi nhuận mà có tính cộng đồng, tương trợ. Quỹ cho vay theo dự án nhóm hộ cùng sản xuất, kinh doanh một loại hình sản phẩm, ngành nghề, khuyến khích phát triển tài nguyên bản địa, thế mạnh của từng vùng. Đối tượng vay chủ yếu là các hộ trung bình, khá (linh động với hộ nghèo, cận nghèo) có quyết tâm, khát vọng làm giàu. Lãi suất cho vay thấp so với lãi suất của các ngân hàng thương mại; hạn mức cho vay phù hợp với mặt bằng sản xuất kinh doanh và khả năng chi trả của người vay; thời gian cho vay phù hợp; thủ tục vay vốn đơn giản...

Các hộ vay vốn không phải thế chấp mà được bảo lãnh qua các cấp HND, được xét duyệt công khai, dân chủ, có ban quản lý và quy ước hoạt động của dự án. Thời gian qua, các dự án, Quỹ HTND phát huy tối đa hiệu quả vốn vay, tính tương trợ, đoàn kết giúp đỡ giữa các hộ vay.

Đặc biệt, trước và trong quá trình tham gia dự án, các hộ vay vốn được tham gia tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh trong cùng nhóm và giữa các địa phương, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm.

Được hỗ trợ vốn thông qua Quỹ hỗ trợ nông dân, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ, ở xã Úc Kỳ (Phú Bình), đã xây dựng được 3 sản phẩm tương và gạo nếp Thầu Dầu đạt OCOP 3 sao.
Được hỗ trợ vốn thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân, HTX dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ, ở xã Úc Kỳ (Phú Bình), đã xây dựng được 3 sản phẩm tương và gạo nếp Thầu Dầu đạt OCOP 3 sao.

Tuy nhiên, so với nhu cầu vay vốn của hội viên thì quy mô, hạn mức vay của Quỹ hiện chưa tương xứng, chưa đáp ứng được mong muốn của người vay. Chị Phạm Thị Nhung, Chủ tịch HND xã Kha Sơn (Phú Bình), cho rằng: Nhiều hội viên không có tài sản thế chấp hoặc không thuộc các đối tượng chính sách nên không đủ điều kiện vay vốn từ các tổ chức tín dụng khác. Vì thế, nếu nguồn vốn của Quỹ HTND được tăng thêm và mở rộng thì sẽ giúp các hộ nông dân có cơ hội mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả các mô hình kinh tế.

Toàn tỉnh hiện có 177 cơ sở hội, với trên 162 nghìn hội viên, trong đó có trên 55 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong khi đó, Quỹ HTND đang thực hiện cho vay tại 80 dự án, cho 904 hộ vay vốn phát triển sản xuất. Nghĩa là nguồn vốn trên chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu.

Để hoạt động của Quỹ HTND bảo đảm chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, mới đây, HND tỉnh đã trình UBND tỉnh Đề án “Kiện toàn tổ chức và hoạt động Quỹ HTND tỉnh Thái Nguyên”, trong đó đề nghị bổ sung vốn đầu tư công cấp mới 30 tỷ đồng (nâng vốn điều lệ đạt 67,6 tỷ đồng giai đoạn 2025-2030). Đề án được thông qua sẽ đáp ứng nguyện vọng, tạo thêm cơ hội, điểm tựa để các hội viên, nông dân vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu trên đồng đất quê hương mình...