Thúc đẩy tăng trưởng xanh từ quản lý rừng bền vững

Hằng Nga 22:17, 20/10/2024

Thái Nguyên có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đạt trên 183.000ha. Việc tạo tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tỉnh đặc biệt quan tâm và hiện đã có hàng nghìn héc-ta rừng được cấp chứng chỉ FSC.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Phú Lương kiểm tra chất lượng giống cây lâm nghiệp tại vườn ươm trên địa bàn xã Yên Đổ.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Phú Lương kiểm tra chất lượng giống cây lâm nghiệp tại vườn ươm trên địa bàn xã Yên Đổ.

“Chứng chỉ rừng FSC” hay “Chứng chỉ rừng bền vững” là kết quả đầu ra của hoạt động đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn FSC. Chứng nhận này được cấp bởi Hội đồng Quản lý rừng (The Forest Stewardship Council - FSC), một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận thành lập năm 1993, với mục tiêu phát triển và quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới.

Diện tích rừng được cấp chứng nhận FSC đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với sản phẩm thường cùng loại từ 20-30%. Nguồn nguyên liệu đầu vào khi được chứng nhận FSC sẽ giúp thương hiệu sản phẩm được nâng tầm, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Đặc biệt, chứng chỉ FSC có những nguyên tắc khắt khe giúp bảo vệ môi trường cũng như hệ sinh thái trong tự nhiên không chỉ nguồn gỗ rừng mà bao gồm cả không khí và nguồn nước.

Những năm qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; chủ động phối hợp, tạo điều kiện cho các công ty khảo sát và thu thập thông tin phục vụ cấp chứng chỉ rừng; xây dựng kế hoạch, tuyên truyền đến các chủ rừng tham gia cấp chứng chỉ rừng theo hình thức liên kết các nhóm hộ trên địa bàn các huyện: Định Hóa, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương….

Được UBND huyện Phú Lương chấp thuận chủ trương đầu tư, hợp tác quản lý rừng bền vững, từ năm 2023 Công ty TNHH lâm sản Thái Hưng đã triển khai liên kết với các hộ dân trên địa bàn để hoàn thiện các tiêu chí, hồ sơ, mời chuyên gia đánh giá cấp chứng chỉ rừng. Kết quả, đến tháng cuối tháng 6-2024, Tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững GFA đã chính thức cấp chứng chỉ FSC với tổng diện tích rừng trên địa bàn huyện là 5.163,2ha với hơn 3.653 hộ tham gia. Kết quả trên đã đưa Phú Lương trở thành địa phương có diện tích được cấp chứng chỉ rừng FSC nhiều nhất tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện ủy Phú Lương khẳng định: Với tiềm năng thế mạnh về rừng của huyện thì việc được cấp chứng nhận FSC sẽ là yếu tố quan trọng góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng cho cộng đồng, địa phương. Đây cũng là cơ hội để khẳng định giá trị thương hiệu các sản phẩm lâm sản của huyện Phú Lương nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung trên thị trường trong và ngoài nước.

Tận dụng vỏ cây lâm nghiệp, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Phú Lương đã nghiền, ép thành viên than xuất khẩu đi nhiều nước.
Tận dụng vỏ cây lâm nghiệp, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Phú Lương đã nghiền, ép thành viên than xuất khẩu đi nhiều nước.

Ngoài Phú Lương, trước đó các huyện được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững như Đồng Hỷ 2.224,09ha với 851 hộ; Đại Từ 1.521ha với 1.000 hộ tham gia. Thực hiện Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về quản lý rừng bền vững, đến nay, Thái Nguyên có 3/5 chủ rừng (Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh, Vườn quốc gia Tam Đảo, Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên đã được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030), nhóm II quản lý rừng đặc dụng, sản xuất được phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững với diện tích 34.429,3/44.337,68ha. Hiện Ban quản lý rừng ATK Định Hóa đang triển khai các thủ tục xây dựng phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 với diện tích 5.505ha rừng đặc dụng.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quy hoạch đất rừng tỉnh đến năm 2030 là 172.000ha. Việc đẩy mạnh phát triển và quản lý rừng bền vững, tăng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC sẽ giúp các địa phương có lợi thế về lâm nghiệp trở thành vùng cung cấp nguyên liệu rừng bền vững. Chứng chỉ FSC được xem là “giấy thông hành” để các sản phẩm từ rừng của tỉnh sẽ được nâng cao và tiếp cận được các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, EU... đang đòi hỏi ngày càng cao về sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp.