Trên địa bàn TP. Thái Nguyên hiện có 30 chợ (gồm 3 chợ hạng I, 4 chợ hạng II và 23 chợ hạng III). Thời gian qua, thành phố đã từng bước đầu tư hạ tầng chợ, tăng cường công tác quản lý, phòng chống cháy nổ để đảm bảo an toàn trong kinh doanh, mua bán.
Chợ Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên) được đầu tư xây dựng khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kinh doanh, buôn bán. |
Các chợ hạng I (gồm chợ Thái, Túc Duyên và Đồng Quang) do tỉnh quản lý, còn lại do UBND thành phố quản lý. Trong số này có 11/30 chợ do các doanh nghiệp đầu tư.
Số liệu thống kê đến cuối năm 2023, trên địa bàn còn 6/30 chợ tạm, 12/30 chợ bán kiên cố, các hạng mục như: Nhà xe, hệ thống phòng cháy chữa cháy, nhà vệ sinh… chưa đảm bảo. |
Trước thực trạng trên, từ nguồn vốn ngân sách, UBND TP. Thái Nguyên đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để sửa chữa chợ xã Thịnh Đức và Phúc Trìu.
Ông Hoàng Văn Thêm, Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức: Khi có kinh phí, UBND xã được giao làm chủ đầu tư đã triển khai xây dựng 3 nhà chợ, kết hợp với đổ sân bê tông sạch sẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con mua sắm, kinh doanh.
Còn ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trìu, thông tin: Ngày trước, hầu hết các tiểu thương kinh doanh trong chợ đều tự lắp điện tạm bợ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cháy nổ. Do vậy, UBND xã đã triển khai xây dựng mới thêm 1 nhà chợ và hệ thống phòng cháy chữa cháy. Hiện nay, chợ Phúc Trìu có khoảng 80 kiot, với gần 100 hộ kinh doanh. Hạ tầng chợ được đầu tư mới đã đáp ứng tốt nhu cầu trao đổi hàng hóa cho người dân.
TP. Thái Nguyên đã đầu tư gần 500 triệu đồng để nâng cấp chợ Thịnh Đức nhằm phục vụ tốt nhu cầu mua bán của người dân. |
Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu giao thương hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ trên địa bàn, kỳ họp cuối tháng 9 vừa qua, HĐND TP. Thái Nguyên đã ban hành nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, sửa chữa chợ Chùa Hang (phường Chùa Hang), chợ Gốc Bàng (xã Sơn Cẩm) và chợ Đán (phường Thịnh Đán) với tổng kinh phí gần 6,4 tỷ đồng.
Mục tiêu là hoàn thiện cơ sở vật chất, đảm bảo phục vụ cho nhu cầu của người dân; lắp đặt, thiết kế hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại các chợ theo quy định. Hiện nay, UBND TP. Thái Nguyên đang hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để lựa chọn nhà thầu, khởi công dự án để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2025 theo quy định.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tại các chợ, TP. Thái Nguyên chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với đơn vị, doanh nghiệp - chủ đầu, ban quản lý các chợ chú trọng công tác quản lý; đảm bảo phòng chống cháy nổ.
Ông Hoàng Gia Hương, chủ đầu tư chợ Minh Cầu, phường Phan Đình Phùng: Chợ Minh Cầu có diện tích khoảng 800m2, được đưa vào sử dụng gần 10 năm nay. Kể từ khi xây dựng đến quá trình vận hành, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến hệ thống phòng cháy, chữa cháy và hệ thống thoát nước. Chính vì vậy, 32 hộ kinh doanh tại chợ hoàn toàn yên tâm. Bà Nguyễn Thị Thái, ở tổ 2, Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) - hộ kinh doanh tại chợ Minh Cầu, cho biết: Đợt bão vừa qua dù các khu vực xung quanh bị ngập sâu nhưng chợ nằm ở tầng hầm không bị ảnh hưởng. Không có vụ cháy nổ nào xảy ra ở chợ thời gian qua.
Theo lãnh đạo phòng Kinh tế TP. Thái Nguyên, đơn vị vừa tiến hành rà soát lại toàn bộ hạ tầng và đề xuất giải pháp tăng cường quản lý chất lượng và chỉnh trang, nâng cấp các chợ trên địa bàn. Theo đó, tổng nhu cầu vốn và nguồn vốn đầu tư chỉnh trang, nâng cấp các chợ (bao gồm cả chợ do doanh nghiệp đầu tư) khoảng trên 300 tỷ đồng.
Trên cơ sở này, Phòng tham mưu cho UBND TP. Thái Nguyên đề nghị các sở, ngành liên quan của tỉnh để phối hợp quản lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại; cân đối nguồn vốn địa phương xây dựng lộ trình cải tạo, nâng cấp các chợ đang quản lý trên địa bàn, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu trao đổi hàng hóa cho nhân dân…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin