Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có những trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và giữ chân nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. |
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam từ đầu năm đến nay?
Mặc dù nền kinh tế thế giới và khu vực còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đồng thời làn sóng đầu tư có sự tái cấu trúc, chuyển dịch mạnh mẽ, song với những chính sách đúng đắn, quyết liệt, kịp thời, để ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có hoạt động đầu tư nước ngoài đã đạt kết quả tích cực, đáng ghi nhận.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/10/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2024 ước đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài những con số kể trên, kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng thể hiện thông qua nhiều khía cạnh khác.
Thứ nhất, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thông qua sự tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và sự phối hợp chắc chẽ của các bộ, ngành, địa phương. Đến nay môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục được cải thiện theo hướng thuận lợi hơn, minh bạch hơn, thông thoáng hơn.
Thứ hai, cơ cấu và dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Hiện nay, tỷ trọng vốn FDI trong lĩnh vực Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục tăng lên, đạt 15,8 tỷ USD, chiếm 80,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 10 tháng năm 2024. Đặc biệt có nhiều dự án của các tập đoàn lớn trong các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên thu hút đầu tư như công nghệ cao và đó là những tín hiệu hết sức đáng kích lệ.
Ngoài ra, với sự đồng hành của Chính phủ, các nhà đầu tư nước ngoài được củng cổ bởi niềm tin với triển vọng phát triển kinh tế, cũng như cam kết mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Nhiều tổ chức quốc tế có những đánh giá tích cực với kết quả phát triển kinh tế Việt Nam, ví dụ như Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá Việt Nam thuộc 10 điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư châu Âu; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có sự phục hồi nhanh sau COVID-19. Tất cả những nhìn nhận này đều cho thấy những chính sách đưa ra của Chính phủ đã củng cố thêm niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.
Vậy Việt Nam có cơ hội như thế nào trong việc trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu, thưa ông?
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để có thể trở thành mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu. Tuy vậy, cơ hội luôn đi kèm thách thức, bởi chưa lúc nào sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư lại mạnh mẽ như hiện nay, nhưng cơ hội đối với Việt Nam là có và khá sáng sủa.
Thứ nhất, Việt Nam là quốc gia có môi trường phát triển kinh tế hết sức tích cực và bền vững, tốc độ phát triển của Việt Nam liên tục tăng, kể cả trong dịch COVID-19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương. Đồng thời chúng ta có sự phục hồi rất nhanh chóng ngay sau dịch COVID-19, GDP năm 2022 đạt 8,02% mức cao so với giai đoạn kinh tế bị khủng hoảng.
Thứ hai, kinh tế Việt Nam có sự phát triển sâu, toàn diện và khá hiệu quả. Cho đến nay Việt Nam đã ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với khoảng 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trong đó có hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới. Điều này giúp cho tiềm năng và độ mở về thị trường của Việt Nam rất lớn.
Thứ ba, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng và có số lượng lớn người lao động trong độ tuổi lao động, đặc biệt lao động của Việt Nam rất thông minh và chi phí lao động khá cạnh tranh so với quốc gia trong khu vực.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang thực hiện nhiều định hướng mới để tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế như thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút các lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực bán dẫn. Tiếp tục thực hiện việc chuyển dịch năng lượng, thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại COP 26.
Đồng thời, Việt Nam có những hướng đi mới như thực hiện thí điểm khu vực thương mại tự do cũng như tạo khung thực hiện cơ chế chính sách đặc thù đối với các thành phố lớn là trung tâm tăng trưởng của nền kinh tế. Đây là những động lực giúp tạo sự hấp dẫn cho nền kinh tế có thể thu hút cũng như tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư khi tiến hành đầu tư tại Việt Nam.
Ngoài ra, với cách tiếp cận mới, Việt Nam cũng có phương pháp mới. Hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo, tham mưu cho Chính phủ, theo đó được thành lập tổ chuyên biệt hỗ trợ trực tiếp cho tập đoàn lớn có tiềm năng để hỗ trợ giải quyết ngay những khó khăn của họ. Trên cơ sở đó, có thể trao đổi hỗ trợ họ khuyến khích họ tăng cường đầu tư tại Việt Nam và đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của họ.
Cục Đầu tư nước ngoài đề xuất những giải pháp nào để giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài, thưa ông?
Trong thời gian qua, Việt Nam đã chứng kiến sự quan tâm, cũng như sự cam kết mạnh mẽ từ phía các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ như Samsung, LG, SK và ngoài ra nhận được nhiều quan tâm của các tập đoàn lớn trên thế giới trong đó có tập đoàn công nghệ từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Đây là những tín hiệu hết sức tích cực. Và câu hỏi đặt ra làm thế nào để thu hút họ vào và làm thế nào để giữ chân họ là câu hỏi không hề dễ. Để làm được điều này, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng cố gắng.
Phát huy nguyên tắc của Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu nhiều lần tại các diễn đàn là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, và quan trọng chúng ta phải làm sao cho sự phối hợp giữa Việt Nam với các tập đoàn đầu tư nước ngoài trên tinh thần cùng thắng. Nếu nắm được nguyên tắc này và thấm nhuần từ Trung ương đến địa phương, nhận thức biến thành hành động và hành động này sẽ sát với những gì nhà đầu tư cần.
Những giải pháp để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài thì xoay quanh các giải pháp lớn.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giúp cho nền kinh tế phát triển nhanh bền vững và tiếp tục khẳng định vai trò vị thể của Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.
Thứ hai, tiếp tục duy trì và thực hiện quyết liệt có hiệu quả 3 đột phá chiến lược về hạ tầng, nhân lực và thể chế. Đối với hạ tầng, thúc đẩy việc sớm hoàn thiện các hạ tầng cơ bản, liên vùng như sân bay, cảng biển, logistic... để tạo điều kiện tăng cường sự kết nối, thúc đẩy phát triển thị trường, đây là điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư.
Về thể chế, tiếp tục rà soát và không ngừng hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý cũng như cơ chế chính sách phù hợp trong đó tập trung cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh. Đây thực sự là yêu cầu rất quan trọng của các nhà đầu tư. Ngoài ra từ Trung ương đến các địa phương, đặc biệt là vai trò chủ động của các địa phương là cải cách hơn nữa thủ tục hành chính, làm thế nào để tạo thuận lợi tối đa, cắt giảm thủ tục hành chính, để giúp các nhà đầu tư nước ngoài không gặp khó khăn gì khi tiến hành đầu tư kinh doanh.
Về nhân lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định phát triển nguồn nhân lực là gốc rễ của sự phát triển trong giai đoạn hiện nay và chỉ có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu thì mới có thể thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao sự cạnh tranh của nền kinh tế. Để thực hiện điều này, Bộ cũng đã trình Chính phủ Đề án phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn theo đó mục tiêu đến năm 2030 sẽ đào tạo 50 nghìn kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn. Đây là Đề án hết sức chiến lược và tham vọng, giúp cho Việt Nam có thể tham gia sâu hơn và khẳng định vai trò của mình trong chuỗi giá trị trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn.
Ngoài ra, cần tiếp tục xử lý tất cả các vấn đề tồn tại vướng mắc hiện nay, đặc biệt là phải xác định xúc tiến đầu tư không chỉ là đến mời gọi họ đến tìm hiểu môi trường đầu tư, cái quan trọng phải tạo lập được niềm tin. Đây chính là lý do vì sao chúng ta phải xúc tiến đầu tư tại chỗ là vô cùng quan trọng.
Xúc tiến đầu tư tại chỗ là xử lý ngay, gỡ vướng kịp thời tất cả những khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư hiện hữu để làm sao cho họ có thể triển khai hoạt động kinh doanh thuận lợi và chính họ sẽ là nhân chứng sống để giúp khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, khẳng định sự đồng hành của Chính phủ từ Trung ương đến địa phương đối với doanh nghiệp. Chính các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là người thu hút mạng lưới, đối tác của họ đến tìm hiểu, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát nắm bắt những xu thế của thế giới để đưa ra chính sách phù hợp, đặc biệt là chính sách ưu đãi hỗ trợ nhà đầu tư. Hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu trình dự thảo Nghị định Quản lý quỹ hỗ trợ đầu tư với mục tiêu duy trì sự hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài và đồng thời thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực ưu tiên tạo đột phá cho sự phát triển bền vững như trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin