Giá vàng trong nước liên tục biến động trong thời gian gần đây đã khiến nhiều người dân "đứng ngồi không yên". So với mức 90 triệu đồng/lượng được lập cách đây 2 tuần, tại thị trường Thái Nguyên, giá vàng miếng SJC đã giảm hơn 6 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cũng lao dốc tới hơn 7 triệu đồng/lượng. Trong bối cảnh giá vàng “nhảy múa” như hiện nay, người dân nên thận trọng trước khi lựa chọn: Mua vào hay bán ra...
Lượng khách đến giao dịch tại Cửa hàng Vàng bạc đá quý Quý Tùng (TP. Thái Nguyên) khá vắng vẻ trong hơn 1 tuần qua. (Ảnh chụp ngày 9/11/2024). |
Có mặt tại Trung tâm Vàng bạc Trang sức DOJI Thái Nguyên vào 9 giờ sáng ngày 17-11, chúng tôi nhận thấy khách đến giao dịch tại đây khá vắng vẻ. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Chi nhánh DOJI Thái Nguyên, cho biết: Những ngày gần đây, lượng khách đến giao dịch chủ yếu là bán ra, chiếm tới 80% tổng số khách hàng. Đặc biệt là trong ngày 7-11 vừa qua, sau khi có thông tin ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ thì người dân đến bán vàng tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường.
Ông Nguyễn Quý Tùng, Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Quý Tùng: Khách đến mua vàng thời điểm này chủ yếu là phục vụ nhu cầu đám cưới hỏi của gia đình. Còn lại, đa số các cửa hàng của Công ty vẫn còn khá vắng vẻ, khách hàng đến xem nhưng chưa "chốt" mua vào hay bán ra.
Khảo sát một số tiệm vàng tại TP. Thái Nguyên trong sáng 17-11, theo ghi nhận của chúng tôi, giá vàng miếng được các công ty vàng bạc đá quý bán ra ở mức 82 - 83,5 triệu đồng/lượng. Ở chiều mua vào, giá vàng hầu hết các thương hiệu được niêm yết ở mức 80 - 80,2 triệu đồng/lượng. Trong khi giá vàng nhẫn trơn đứng ở mức 80 triệu đồng/lượng mua vào và 82 - 82,7 triệu đồng/lượng bán ra. Trước đó, ngày 14-11, giá vàng nhẫn mua vào còn giảm xuống mức 78,2 triệu đồng/lượng. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng vàng nhẫn chưa từng chứng kiến tuần giao dịch nào giảm sâu như lần này.
Lý giải cho diễn biến giá vàng biến động mạnh trong giai đoạn vừa qua, T.S Phạm Văn Hạnh, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Thái Nguyên, cho rằng, do tình trạng lạm phát toàn cầu và việc mất niềm tin của nhà đầu tư. Khi lạm phát tăng cao và kinh tế càng có nguy cơ bất ổn thì việc tích trữ vàng sẽ an toàn hơn so với tiền gửi và các tài sản khác. Người dân, cũng như nhà đầu tư sẽ tăng mua vàng để giảm thiểu biến động của lạm phát. Nền kinh tế Việt Nam ảnh hưởng mạnh bởi nền kinh tế thế giới nên khi các nhà đầu tư lo sợ thì vàng sẽ được ưa chuộng để giữ tài sản.
Cùng với đó, chiến tranh giữa các nước cũng làm ảnh hưởng tới giá dầu và ảnh hưởng tới kinh tế thế giới dẫn đến việc tác động tới giá vàng. Khi nền kinh tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ do chiến tranh thì nhu cầu tích trữ vàng tăng lên. Vàng ở Việt Nam có biến động mạnh còn một nguyên nhân nữa đó là nguồn cung vàng chưa cân bằng với nhu cầu. Nhà nước là đơn vị duy nhất được nhập khẩu vàng nên nguồn cung thường chậm hơn so với nhu cầu thị trường. Thêm nữa, giá vàng lên xuống cũng là biểu hiện tâm lý bất ổn của nhà đầu tư do các kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế.
Nguyên nhân trực tiếp khiến giá vàng thế giới hạ trong mấy ngày gần đây chính là đồng USD tăng giá, tâm lý lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ dưới thời kỳ chính quyền của ông Donald Trump nhiệm kỳ 2, đồng thời tâm lý thị trường thay đổi sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khiến tâm lý phòng thủ tránh rủi ro của nhà đầu tư giảm bớt.
Thực tế, người dân hay bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý nên khi giá vàng tăng mạnh sẽ đổ xô đi mua vàng, khi giá xuống sâu lại chen chân xếp hàng để bán, do đó hay rơi vào tình trạng mua “đỉnh” bán “đáy”. Để tránh bị ảnh hưởng bởi biến động giá vàng, người dân cũng như nhà đầu tư cần phải thận trọng tìm hiểu rõ thông tin về tình hình kinh tế thế giới, giá dầu và tình hình kinh tế Việt Nam. Không nên chạy theo đám đông để mua khi giá cao mà cần có các phân tích cụ thể, thu thập thêm thông tin để đưa ra quyết định phù hợp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin