Nhằm phát huy lợi thế để phát triển lâm nghiệp ở các xã khu vực phía Tây (gồm Phúc Tân, Phúc Thuận, Thành Công, Minh Đức), những năm qua, TP. Phổ Yên đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trồng rừng theo hướng nâng cao giá trị gắn với phát triển bền vững. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, thu nhập của nhân dân và duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm TP. Phổ Yên phối hợp tuần tra bảo vệ rừng trên địa bàn xã Phúc Thuận. |
Trên địa bàn TP. Phổ Yên hiện có hơn 5.200ha rừng, trong đó rừng phòng hộ là trên 1.500ha, rừng sản xuất 3.700ha. Để phát huy lợi thế, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, thành phố chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tối đa quỹ đất rừng hiện có để trồng các loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương.
Trong đó, thành phố tập trung hướng dẫn người dân chuyển từ trồng rừng truyền thống sang trồng rừng kinh tế theo hướng thâm canh, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa các giống cây lâm nghiệp chất lượng cao (như keo tai tượng, giổi xanh, lát…) vào trồng.
Thành phố cũng tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất lâm nghiệp. Nhờ đó, nhiều hộ trên địa bàn đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích rừng, cây ăn quả kém năng suất, hiệu quả thấp sang trồng rừng kinh tế. Riêng trong giai đoạn 2021-2024, toàn thành phố trồng mới được trên 500ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng hằng năm được duy trì ổn định ở mức trên 20%.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, người dân ở các xã phía Tây của TP. Phổ Yên tích cực đưa các loại cây lâm nghiệp chất lượng cao vào trồng (như keo tai tượng, giổi xanh, lát…). |
Là địa phương có diện tích rừng lớn nhất thành phố với hơn 2.700ha (trong đó rừng phòng hộ hơn 900ha, còn lại là rừng sản xuất), hằng năm, xã Phúc Thuận đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về trồng, bảo vệ rừng đi đôi với khai thác, tập trung phủ xanh đất trống nhằm giảm xói mòn, chống sạt lở và bảo vệ nguồn nước.
Ngoài việc đưa các giống cây rừng cho năng suất cao vào trồng, những năm gần đây, người dân cũng tăng cường chăn nuôi gia súc, gia cầm, ong mật dưới tán rừng, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế.
Ông Liễu Văn Sinh, ở xóm Chãng, xã Phúc Thuận: Với lợi thế vườn đồi, năm 2005, tôi đã đưa giống keo tai tượng vào trồng tập trung với diện tích hơn 1ha. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, diện tích keo của gia đình luôn phát triển tốt, sau 6-7 năm cho khai thác 120-150 tấn gỗ nguyên liệu, mang lại nguồn thu nhập trên 120 triệu đồng. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình được cải thiện rõ rệt, có thêm điều kiện đầu tư phát triển kinh tế.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, TP. Phổ Yên cũng định hướng, vận động người dân chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, từng bước hình thành vùng nguyên liệu tập trung, phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, hạn chế xói mòn đất. Riêng giai đoạn 2021-2024, toàn thành phố đã trồng mới và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đạt khoảng 150ha.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn thành phố, trồng rừng gỗ lớn mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đơn cử như đối với cây keo, khai thác ở năm thứ 5-6 chỉ có thể bán làm dăm gỗ, bóc lấy ván, cho thu nhập 100-120 triệu đồng/ha, nhưng diện tích này khi chuyển sang rừng trồng gỗ lớn, sau 10-12 năm trồng mới khai thác, cây sẽ đạt đường kính lớn hơn.
Lúc này, gỗ được bán theo giá gỗ chế biến, gỗ xẻ, thu nhập tăng gấp 2-3 lần. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, TP. Phổ Yên có trên 300ha rừng gỗ lớn, địa phương đang tập trung rà soát quỹ đất để trồng rừng gỗ lớn và diện tích rừng trồng đã có theo loại cây, tuổi cây để chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn.
Cùng với việc đưa các giống cây lâm nghiệp chất lượng cao vào trồng, người dân xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên) đẩy mạnh nuôi ong mật dưới tán rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Bà Nguyễn Thị Loan, Hạt phó Hạt kiểm lâm TP. Phổ Yên thông tin: Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, UBND thành phố cũng đang tập trung triển khai trồng rừng theo chứng chỉ FSC (một tiêu chuẩn tự nguyện, được Hội đồng Quản lý Rừng FSC phát triển nhằm mục đích thúc đẩy quản lý rừng có trách nhiệm trên toàn cầu). Thực hiện nội dung này, năm 2024, thành phố đã liên kết với một doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh triển khai việc tư vấn kỹ thuật, theo dõi quá trình chăm sóc, sự phát triển của cây rừng, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Dự kiến năm 2025, địa phương có khoảng 3.000ha rừng được cấp chứng chỉ này. Qua đó góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời là cơ hội để khẳng định giá trị thương hiệu các sản phẩm lâm sản của thành phố. - Bà Nguyễn Thị Loan
Hiện nay, trên địa bàn TP. Phổ Yên đang triển khai rất nhiều công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy việc mở rộng diện tích rừng sản xuất của nhân dân ít nhiều bị ảnh hưởng. Nhằm duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 20%, thành phố tiếp tục chỉ đạo các xã, phường định hướng nhân dân tập trung trồng rừng theo hướng phát triển bền vững; chuyển đổi diện tích đất đồi trồng các loại cây ăn quả năng suất thấp sang trồng rừng sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập. Cùng với đó, cơ quan chuyên môn của thành phố cũng phối hợp mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc cây lâm nghiệp; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy, bảo vệ rừng…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin