Sản xuất chè VietGAP ở Bình Thành: Hiệu quả bước đầu khả quan

Dương Hưng 09:05, 08/11/2024

Từ đầu năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với huyện Định Hóa và xã Bình Thành triển khai Dự án hỗ trợ phát triển chè theo quy trình VietGAP. Qua hơn 1 năm triển khai, Dự án đã bước đầu phát huy hiệu quả, giúp các hộ nghèo, cận nghèo trong xã có điều kiện phát triển kinh tế, hình thành mô hình sản xuất chè bảo đảm an toàn thực phẩm.

Diện tích chè được hỗ trợ sản xuất theo Dự án đang phát triển tốt, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo, cận nghèo ở xã Bình Thành (Định Hóa).
Diện tích chè được hỗ trợ sản xuất theo Dự án đang phát triển tốt, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo, cận nghèo ở xã Bình Thành (Định Hóa).

Mặc dù là địa phương có thế mạnh về sản xuất chè xanh chất lượng cao nhưng thời gian trước, năng suất, sản lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm chè ở xã Bình Thành còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, dẫn đến thu nhập của người làm chè vẫn thấp.

Một trong những nguyên nhân chính được cơ quan chức năng xác định là do nhận thức của người dân về quy trình, kỹ thuật sản xuất vẫn còn hạn chế, nhất là sản xuất chè an toàn. Tình trạng lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật còn phổ biến gây tồn dư trong đất, nước, dẫn đến sản phẩm chè chưa bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, việc canh tác chè theo phương thức truyền thống làm phá vỡ hệ cân bằng sinh thái đồng ruộng và hệ vi sinh vật đất, độ phì nhiêu của đất giảm, hàm lượng mùn thấp, ảnh hưởng lớn đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng và cung cấp dinh dưỡng của đất cho cây chè…

Vì vậy, việc hình thành vùng sản xuất chè an toàn, tập trung với quy mô lớn, áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để từng bước hình thành các vùng chè nguyên liệu chất lượng cao, bền vững, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm chè là rất cần thiết đối với người dân xã Bình Thành.

Ông Ma Khánh Sơn, Chủ tịch UBND xã Bình Thành: Tổng diện tích chè của xã là trên 284ha, trong đó chè kinh doanh có 246ha, sản lượng trung bình đạt khoảng 3.200 tấn chè búp tươi/năm. Phần lớn người dân trong xã trồng chè ở khu vực đồi núi thấp, dễ chăm sóc, nhưng sản lượng, chất lượng chè vẫn thấp hơn so với các địa phương khác. Vì vậy, khi Dự án hỗ trợ thâm canh chè theo quy trình VietGAP (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững) được thực hiện trên địa bàn xã, bà con tích cực tham gia và triển khai rất nghiêm túc.

Thực hiện Dự án, cơ quan chức năng đã lựa chọn 161 hộ tham gia (với tổng diện tích chè 25ha) ở 12 xóm trong xã. Đây đều là các hộ nghèo, cận nghèo, chưa nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho cùng nội dung dự án, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, có nhân lực, diện tích chè đang cho thu hoạch.

Để bảo đảm Dự án được triển khai hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với UBND xã Bình Thành tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với 165 lượt người tham gia; hướng dẫn các hộ tham gia Dự án lập sổ ghi chép, theo dõi quá trình sản xuất để truy xuất nguồn gốc; chăm sóc chè theo quy trình sản xuất an toàn VietGAP. Đồng thời, các hộ được tập huấn về cách tổ chức quản lý mô hình hiệu quả để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè an toàn VietGAP…

Ông La Công Hữu, ở xóm Bản Là, xã Bình Thành (chủ một hộ tham gia Dự án): Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai hỗ trợ các loại vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với mức 70%, nhân dân đối ứng 30%. Các loại phân bón được cấp chủ yếu là đạm ure, kali clorua, phân vi sinh, cùng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Sau khi được hỗ trợ, gia đình tôi cùng bà con triển khai việc trồng, chăm sóc chè theo đúng quy trình được hướng dẫn.

Nhờ thực hiện đúng kỹ thuật, cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, bộ lá màu xanh vàng, búp to, độ đồng đều cao, ngắn lóng, lá dầy, ít búp mù xòe, khả năng chịu hạn tốt hơn. Năng suất chè búp tươi tăng khoảng 6-7kg/sào/lứa (mỗi năm thu hái được 7 lứa), cho thu nhập cao hơn so với cách chăm sóc thông thường trước kia từ 2-3 triệu đồng/sào.

Đánh giá về hiệu quả bước đầu của Dự án tại xã Bình Thành, ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Dự án không chỉ hỗ trợ để các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã có thêm điều kiện phát triển kinh tế mà còn nâng cao ý thức của bà con nhân dân về việc sản xuất chè theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Sau khi mô hình thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để mở rộng vùng sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP tại xã Bình Thành và cả huyện Định Hóa.